VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI: CÁI KÉN BƯỚM
Đề bài: Hãy viết một bài văn nghị luận xã hội bày tỏ suy nghĩ của em về câu chuyện sau:
Cái kén bướm
“ Một cậu bé tìm thấy cái kén bướm. Một hôm cậu thấy cái kén hé lỗ nhỏ. Cậu ngồi hàng giờ nhìn chú bướm nhỏ cố thoát mình ra khỏi cái lỗ nhỏ xíu. Rồi cậu bé thấy mọi việc không tiến triển gì thêm. Hình như chú bướm không thể cố hơn được nữa?! Vì thế, cậu quyết định giúp chú bướm nhỏ. Cậu lấy kéo rạch cho cái lỗ to thêm. Chú bướm dễ dàng thoát ra khỏi cái kén. Nhưng thân mình nó sưng phồng lên, đôi cánh thì nhăn nhúm. Còn cậu bé cứ ngồi quan sát cái kén với hy vọng một lúc nào đó thân mình chú bướm sẽ xẹp lại và đôi cánh xòe rộng hơn đủ để nâng đỡ thân hình.
Nhưng chẳng có gì thay đổi! Sự thật là chú bướm đã phải bò loanh quanh suốt quãng đời còn lại với đôi cánh nhăn nhúm và thân hình sưng phồng. Nó chẳng bao giờ có thể bay được. Có một điều mà cậu bé không thể hiểu: chính việc tự mình nỗ lực thoát ra khỏi cái kén chật chội kia là điều kiện không thể thiếu để chất lưu trong cơ thể con bướm chuyển vào đôi cánh, giúp nó bay được
Đôi khi đấu tranh là rất cần thiết trong cuộc sống. Nếu ta quen sống một cuộc đời phẳng lặng, dễ dàng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có. Và chẳng bao giờ ta có thể bay được. Vì thế, nếu bạn thấy mình đang phải vượt qua nhiều áp lực và căng thẳng thì hãy tin rằng sau đó bạn sẽ trưởng thành hơn”.
Bài làm
Khó khăn, thử thách là cơ hội vươn đến thành công, nếu ta quen sống một cuộc đời phẳng lặng, dễ dàng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẩm sinh mỗi người đều có. Cũng giống như chú bướm nhỏ trong câu chuyện thoát khỏi cái kén một cách dễ dàng nhờ sự giúp đỡ của cậu bé và cuối cùng nó trở thành vô dụng, sống một cuộc đời bất hạnh, mãi mãi không bay lên được.
Khi thấy con bướm đang chật vật tìm cách thoát khỏi cái lỗ nhỏ, cậu bé nóng lòng cắt khe hở ở cái kén cho to ra giúp chú bướm dễ dàng thoát khỏi, không cần cố gắng, không tốn chút sức lực. Cậu bé làm vậy là có ý tốt, muốn giúp đỡ chú bướm nhưng chính hành động đó đã vô tình làm cho chú cả đời chỉ bò loanh quanh, chẳng bao giờ bay được. Bởi chú bướm đã không tự mình nỗ lực chui ra khỏi cái kén chật chội để chất lưu trong cơ thể chuyển vào đôi cánh giúp nó lớn lên, tự do bay lượn giữa bầu trời bao la mà nó có sự giúp đỡ của cậu bé thoát ra ngoài một cách dễ dàng với thân hình sưng phồng, cái cánh nhăn nhúm. Sự giúp đỡ không đúng lúc của cậu bé và sự phụ thuộc của chú bướm đã khiến chính con bướm phải chịu một cuộc đời bất hạnh.
Và chúng ta ai cũng vậy, chẳng ai chưa biết đứng mà đã biết đi, chưa biết cười mà đã biết nói bởi một điều: nó là quy luật của tự nhiên, nếu muốn thay đổi nó kết quả thu lại chẳng mấy tốt đẹp. “Nếu muốn đi lên chỗ cao nhất thì phải bắt đầu từ nơi thấp nhất. Nếu con nhộng không tự chui ra khỏi cái kén thì mãi mãi chỉ là con nhộng, nếu quả trứng đang được ủ ấp mà có ai nóng vội muốn nhìn thấy gà con, đạp vỡ trứng cho gà chui ra thì chắc hẳn nó cũng không tồn tại được.
Con người nóng vội, muốn đốt cháy khoảng cách thì khó mà thành công. Con người dựa dẫm, ỷ lại thì mãi mãi không trưởng thành được. Một cuộc đời phẳng lặng sẽ giúp con người ta mất đi sức mạnh tiềm tang vốn có. Và sự giúp đỡ không đúng lúc không những không giúp ích người ta mà còn gây hại, kết quả không tốt đẹp gì.
Đừng ngại khó, đừng ngại khổ, bạn có bao giờ để ý đến chú lật đật không, dù ai ném nó như thế nào, nó ngã rồi vẫn tự bật dậy ngay. “Sông có lúc, người có khúc”, cuộc đời không phẳng lặng, dù sống trong hoàn cảnh nào cũng luôn luôn phải cố gắng, cũng đừng ngại những thử thách, bởi sau mỗi thử thách bạn sẽ trưởng thành hơn và vươn đến tầm cao mới.