1. Tìm hiểu chung

a. Tác giả Nguyễn Duy

  • Nguyễn Duy sinh năm 1948, tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ.
  • Quê Quán: thành phố Thanh Hóa.
  • Cuộc đời
    • Năm 1966, ông gia nhập quân đội, vào binh chủng Thông tin, tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường.
    • Sau năm 1975, ông chuyển về làm báo Văn nghệ giải phóng. Từ năm 1977, Nguyễn Duy là đại diện thường trú báo Văn nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
    • Nguyễn Duy thuộc thế hệ các nhà thơ quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu.
    • Thơ ông gần gũi với văn hóa dân gian, nhưng sâu sắc mà rất đỗi tài hoa, đi sâu vào cái nghĩa, cái tình muôn đời của con người Việt Nam.
    • Năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
  • Tác phẩm tiêu biểu: Cát trắng (1973), Mẹ và em ( 1987), Đường xa (1990), Về (1994)…

b. Tác phẩm Ánh trăng

  • Nguyễn Duy viết bài thơ “Ánh trăng” vào năm 1978, tại thành phố Hồ Chí Minh.
  • In trong tập thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy – tập thơ đạt giải A của Hội nhà Văn Việt Nam năm 1984.

c. Bố cục

Bài thơ được chia làm 3 phần

  • Phần 1: Hai khổ đầu: Vầng trăng trong quá khứ.
  • Phần 2: Hai khổ tiếp: Vầng trăng trong hiện tại.
  • Phần 3: Hai khổ cuối: Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả trước vầng trăng.

2. Đọc hiểu văn bản

Câu 1: Em có nhận xét gì về bố cục của bài thơ? Ánh trăng có sự kết hợp giữa tự sự với trữ tình. Trong dòng diễn biến của thời gian, sự việc, đâu là bước ngoặt để tác giả tự do bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề của tác phẩm?

+ Nhận xét bố cục:

bố cục bài thơ theo trình tự quá khứ đến hiện tại giống như một câu chuyện gồm có ba phần.

• Phần một (2 khổ đầu): thời quá khứ trăng người cùng gắn bó.

• Phần hai (2 khổ giữa): thời hiện tại con người bội bạc vầng trăng.

• Phần ba (2 khổ cuối): sự ăn năn của con người khi gặp lại vầng trăng tình nghĩa

+ Bước ngoặt bộc lộ cảm xúc: quá khứ trăng

- người gắn bó trong mối “kết giao tri kỉ, thuỷ chung từ những năm tháng tuổi thơ bươn chải nhọc nhằn gắn bó với đồng, với sông rồi với bể, cho đến những năm tháng chiến tranh gian khổ ở rừng bao giờ trăng cũng gần gũi, thân thiết, trăng là người bạn đồng hành trên mỗi bước đường gian lao”. (Nguyễn Trọng Hoàn). Thế nhưng tất cả điều đó đã thay đổi khi con người chuyển về thành phố. “Ánh điện, cửa gương” ở chốn thị thành đã làm cho con người quên đi “vầng trăng tình nghĩa thủa nào”. Người tri kỉ năm xưa đã bị trở thành “người qua đường” đến xót xa. Con người thật đáng trách và nếu cứ như thế con người sẽ tự đánh mất mình.

+ Sự việc đó đánh dấu bước ngoặt bộc lộ cảm xúc, để thể hiện chủ đề của tác phẩm: Con người không thể lảng tránh được nữa, cuộc đối mặt để con người bừng ngộ, thức tỉnh. Chính vì vậy mà chủ đề tư tưởng của tác phẩm trở nên sâu sắc.

Câu 2: Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang nhiều tầng ý nghĩa. Hãy phân tích điều ấy. Khổ thơ nào trong bài thơ thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lí của tác phẩm

Hình ảnh vầng trăng trong bài thơ mang những tầng nghĩa sau:

+ Là thiên nhiên tươi đẹp: trăng vừa là trăng nhưng đồng thời trăng cũng chính là đồng, là sông, là bể, là thiên nhiên gần gũi mà bao dung, gắn bó thân quen với cuộc sống của con người như một phần đời không thế thiếu.

+ Là tuổi thơ ngọt ngào: trăng còn là biểu tượng cho thời quá khứ, cái thời con người được ngụp lặn trong dòng sông tuổi thơ của cuộc đời mình, “được trần trụi với thiên nhiên, hồn nhiên như cây cỏ”.

+ Là quá khứ của thời chiến đấu: đó là “hồi chiến tranh ở rừng” trăng và người gắn bó bên nhau, quan hệ thân tình khăng khít, cái thời gian khó mấy ai quên.

+ Là tình nghĩa thuỷ chung: đây là điều được thể hiện tập trung ở khổ thơ cuối, nó làm cho bài thơ mang chiều sâu tư tưởng và triết lí: Trăng cứ tròn vành vạnh

Kể chi người vô tình

Ánh trăng im phăng phắc

Đủ cho ta giật mình.

“Phải chăng đó là biểu tượng của nghĩa tình trọn vẹn trong sáng của nhân dân mà trong những năm chiến đấu người lính đã cảm nhận” (Lương Kim Phương)

Câu 3: Nhận xét về kết cấu, giọng điệu của bài thơ. Những yếu tố ấy có tác dụng gì đối với việc thể hiện chủ đề và tạo nên sức truyền cảm của tác phẩm?

Bài thơ mang kết cấu của một câu chuyện được gói gọn lại từ quá khứ đến hiện tại bằng thứ tình cảm dung di đời thường. Nhà thơ vừa kể truyện vừa bộc lộ toàn bộ tình cảm, cảm xúc của mình cho người đọc thấy được những ký ức hào hùng thời chiến đấu.

Thể thơ năm chứ đều đều khiến cho giọng điệu của bài thơ trở nên sâu lắng. Giọng thơ thay đổi theo từng đoạn tương ứng với từng thời kỳ trong cuộc sống của con người. Ở những khổ thơ đầu nhịp thơ trôi chảy tự nhiên theo mạch kể về quá khứ. Đến khổ thứ tư nhịp thơ cất cao như một bước ngoặt đánh dấu kịch tính. Đến khổ thơ cuôi cùng là tâm trạng tha thiết cùng với trầm lắng suy tư.

Câu 4: Xác định thời điểm ra đời của bài thơ “Ánh trăng”. Liên hệ với cuộc đời Nguyễn Duy để phát biểu chủ đề của bài thơ. Theo cảm nhận của em, chủ đề ấy có liên quan gì đến đạo lý, lẽ sống của dân tộc Việt Nam

Bài thơ Ánh trăng được tác giả NGuyễn Duy sáng tác năm 1978, những người chiến sĩ rời chiến trường trở về thành phố, quay về với cuộc sống mới. Bắt đầu một cuộc sống hòa bình tự do.

Trong cuộc sống mới, điều kiện sống thay đổi, cùng với đó là sự vận động không ngừng của guồng quay cuộc sống đã làm mờ dần những kí ức gian truân mà hào hùng trong quá khứ. Xét hoàn cảnh ra đời với cuộc đời của tác giả Nguyễn Duy ta có thể thấy đây là câu chuyện riêng, là lời nhắc nhở nghiêm khắc của nhà thơ với chính bản thân mình khi vô tình quên đi những kí ức, tình nghĩa trong quá khứ

Bài viết gợi ý: