1. Tìm hiểu chung
a. Tác giả Nguyễn Khoa Điềm
- Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943.
- Quê quán: Thừa Thiên Huế.
- Là gương mặt tiêu biểu trong thế hệ các nhà thơ chống Mĩ.
- Thơ Nguyễn Khoa Điềm không cầu kì về hình thức, câu chữ tự nhiên, đời thường, lời thơ nhẹ nhàng, tha thiết nhưng cũng đậm chất triết lí sâu.
- Tác phẩm tiêu biểu: “Đất ngoại ô” (thơ, 1973), “Cửa thép” (kí, 1972), “Mặt đường khát vọng” (trường ca, 1974)…
b. Tác phẩm
- Bài thơ được Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971 – những năm tháng quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mĩ.
- In trong tập “Đất và khát vọng” (1984).
c. Bố cục
- Bài thơ được chia làm 3 phần:
- Phần 1: Khúc thứ nhất: Khúc hát ru của người mẹ thương con, thương bộ đội.
- Phần 2: Khúc thứ hai: Khúc hát ru của người mẹ thương con, thương dân làng.
- Phần 3: Khúc thứ ba: Khúc hát ru của người mẹ thương con, thương đất nước.
2. Đọc hiểu văn bản
Câu 1: Bài thơ là lời hát ru những em bé dân tộc Tà-ôi “lớn trên lưng mẹ” ở vùng chiến khu Trị - Thiên khi cuộc kháng chiến chông Mĩ đang diễn ra ác liệt. Lời hát ru có ba khúc, mỗi khúc có hai khổ và đều mở đầu...
Lời hát ru gồm có ba khúc, mỗi khúc đều mở đầu bằng câu:
“Em ku tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Và kết thúc bằng câu:
“Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi”
Sự lặp lại lời hát ru này làm cho lời hát ru trở nên da diết, thiết tha, thể hiện được tình cảm của người mẹ dành cho đứa con. Đồng thời, ở giữa những dòng thơ đều được ngắt nhịp đều đặn tạo ra một hiệu quả nghệ thuật độc đáo, khiến cho lời hát ru trở nên trầm bổng, có nhịp điệp, tiết tấu da diết, vẫn vương hơn. Mặt khác, sự ngắt câu này còn gợi cho người đọc liên tưởng đến những nhịp đưa nôi đều đặn của người mẹ.
Câu 2: Phân tích hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ. (Gợi ý: Qua từng đoạn thơ, người mẹ được miêu tả ưong những công việc gì, hoàn cảnh nào? Tìm những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự vất vả, gian khổ của người mẹ ở chiến khu.)
Hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” hiện lên không chỉ với tình yêu thương sâu sắc dành cho người con, mà còn với tư cách là một người “chiến sĩ” thực sự, người chiến sĩ lao động sản xuất để nuôi bộ đội, hỗ trợ tích cực cho cách mạng. Hình ảnh người mẹ luôn gắn liền với những công việc sản xuất với đứa con nhỏ địu trên lưng khiến cho ta xúc động khôn nguôi:
+ “Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng”
Người mẹ trước hết xuất hiện trong không gian lao động thường thấy, đó là giã gạo nhưng mục đích của việc giã gạo cũng không đơn thuần là phục vụ cho cuộc sống của mình mà nhằm một mục đích khác, cao cả hơn, đó là giã gạo nuôi bộ đội, nuôi những người lính cách mạng khi họ hoạt động ở chiến khu.
+ “Mẹ đang tỉa bắp trên đồi Ka- lưi”
Công việc của những người lao động miền núi luôn gắn với nương rãy nên người mẹ không chỉ giã gạo mà ngày ngày lên nương để tỉa ngô, những công việc như thành thói quen trong cuộc sống lao động.
+ “Mẹ đang chuyển lán, mẹ đi đạp rừng
Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối”
Người mẹ xuất hiện với một vị trí, vai trò mới, đó là một người lính thực sự, người mẹ cùng với những người chiến sĩ chuyển lán, đạp rừng tránh sự truy đuổi của thằng Mĩ.
Câu 3: Em hiểu như thế nào về hai câu thơ: “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi / Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”? Phân tích tình cảm của người mẹ đối với con ở câu thơ thứ hai.
Câu thơ “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi , Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”.
Đây là một câu thơ cảm động, thể hiện được tấm lòng của người mẹ dành cho con. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã sử dụng biện pháp nhân hóa để làm nổi bật lên tình cảm thiêng liêng này:
+ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi, đây là câu thơ có ý nghĩa tả thực, mặt trời chính là nguồn sống nuôi dưỡng nên sự phát triển cũng như duy trì sự tồn tại của bắp. Với ý nghĩa như vậy, nhà thơ đã đặt nó trong tương quan với tình mẫu tử đầy thiêng liêng.
+ Nếu mặt trời của bắp nằm trên đồi thì mặt trời của mẹ em nằm trên lưng. Đối với người mẹ thì đứa con chính là tất cả niềm tin, niềm hi vọng cũng như là người khơi dậy nguồn sống, động lực sống cho người mẹ.
Câu 4: Qua các khúc ru, em cảm nhận tình cảm của người mẹ đối với con như thế nào? Nhận xét về mối liên hệ giữa lời ru trực tiếp của người mẹ với hoàn cảnh công việc mà mẹ đang làm ở từng đoạn thơ...
Qua các khúc hát ru, ta có thể cảm nhận được tình cảm của người mẹ dành cho con của mình là vô bờ bến, những lời thủ thỉ tâm tình trong khúc hát ru đã thể hiện được sâu sắc được tất cả những thứ tìn cảm thiêng liêng đó, người mẹ luôn hi vọng vào tương lai tốt đẹp của người con, mong cho con trưởng thành, mạnh mẽ, có sức mạnh để có thể tiếp tục sự nghiệp to lớn của đất nước, trở thành những người công dân có ích. Tình yêu của người mẹ luôn được đặt trong những công việc lao động sản xuất, những hoạt động cách mạng, phục vụ cho cách mạng, khiến cho bài thơ trở nên xúc động, vượt qua cả tình mẫu tử mà còn thấm đượm ý thức, tinh thần dân tộc.
Câu 5: Em thấy tình yêu thương con của người mẹ gắn với những tình cảm gì? Em hiểu như thế nào về những ước mong, ý chí của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ được thể hiện trong các khúc ru?
Trong bài thơ này, tình thương con của người mẹ luôn gắn liền với tình yêu đất nước, trách nhiệm với dân tộc. Qua những khúc hát ru người mẹ như muốn nuôi dưỡng trong đứa con tình yêu, trách nhiệm ấy, cùng với đó là những ước mơ cháy bỏng về một tương lai hòa bình, thống nhất.