CHUYÊN ĐỀ: NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ – NGUYỄN TUÂN

I. Tác giả - tác phẩm:

1. Tác giả:

- Nguyễn Tuân (10/07/1910). Quê ở Hà Nội, là con của một gia đinh công chức. Thời niên thiếu ông được đi nhiều nơi, tham gia chống Pháp, từng làm thư kí nhà máy đèn. Năm 1930, ông bắt đầu viết văn làm báo. Năm 1937, ông chuyên tâm viết văn

- Những tác phẩm tiêu biểu: Vang bóng một thời, những chuyến đi…

2. Tác phẩm:

- “Người lái đò Sông Đà” là bài tuỳ bút được in trong tập “Sông Đà” (1960) của Nguyễn Tuân

- Tác phẩm là thành quả của nhà văn trong chuyến ông đi tới Tây Bắc tìm kiếm chất vàng thử lửa của thiên nhiên Tây Bắc, đặc biệt là chất vàng mười đã qua thử lửa ở tâm hồn con người lao động chiến đấu trên miền núi sông nước Tây Bắc hùng vĩ và mơ mộng

- Tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật nhà văn sau cách mạng tháng tám.

II. Đọc – hiểu văn bản:

1. Hình tượng Sông Đà:

- Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân, sông Đà hiện lên như một con người với hai tính cách:

a) Tính cách hung bạo (vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội):

- Qua diện mạo:

      + Những gì thuộc về Sông Đà đều dữ dội, từ đá, từ cát đến nước, gió

      + Sông Đà dữ dội, nguy hiểm, “hung bạo” nhất là ở những quãng sông hẹp và những hút nước khủng khiếp

- Qua tâm địa:

      + Sông Đà như hung thần, như loài thuỷ quai khổng lồ, khôn ngoan, mưu trí mà nham hiểm, hung ác

      + Sông Đà mang “tâm địa một thứ kẻ thù số một” của con người trên sông nước.

b) Tính cách trữ tình (vẻ đẹp huyền ảo, thơ mộng)

- Qua dáng vẻ:

      + Dòng sông như người con gái kiều diễm: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai”.

      + Sông Đà dịu dàng, trong sáng, gợi cảm và đầy chất thơ, từ mặt nước đến bờ dông sông.

- Qua tâm hồn: Sông Đà trở thành người bạn thân thiết của con người, một “cố nhân” gợi bao niềm thi hứng.

c) Ý nghĩa của hình tượng Sông Đà

- Thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của tác giả: yêu thiên nhiên Tây Bắc, yêu dòng Sông Đà quê hương với vẻ đẹp vừa hùng vĩ, dữ dội, vừa trữ tình, thơ mộng

- Góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân:

      + Nguyễn Tuân hay hướng tới cái khác thường, cái phi thường để gây ấn tượng và cảm xúc manh liệt, đẹp phải tới mức tuyệt mĩ, dữ dội phải tới mức khủng khiếp. Sông Đà là một dòng sông độc lạ, đẹp cũng tới mức tuyệt mĩ và dữ dội cũng tới mức khủng khiếp.

      + Nhà văn thường vận dụng tri thức của nhiều nhanh, lĩnh vực khác nhau để tiếp cận và miêu tả đối tượng: trong “người lái đò Sông Đà”, tác giả sử dụng các tri thức về địa lí, lịch sử, quân sự, văn hoá, nghệ thuật – trong đó có văn học, điện ảnh để miêu tả Sông Đà.

2. Hình tượng người lái đò

a) Sự thông minh, tài trí, quả cảm (để chế ngự, chiến thắng dòng sông hung bạo)

- Cuộc vượt thác của ông lái đò như một trận thuỷ chiến giữa người và nước:

     + Dòng sông với sức mạnh tự nhiên, khôn ngoan mà hiểm ác (đá bày thạch trận, mai phục dưới lòng sông, dụ và lừa con thuyền đi vào cửa tử, sóng nước như thế quân liều mạng…)

     + Ông lái đò bằng sự thông minh, tài trí, quả cảm đã chiến thắng dòng sông hung bạo (cố nén vết thương, hai chân kẹp chặt cuống lái, vượt qua nhiều vòng vây thạch trận, tránh cửa tử, tìm hướng cửa sinh, túm lấy bờm sóng, cưỡi lên dòng thác hùm beo…)

b) Sự tài hoa, điêu luyện:

- Ông lái đò hiểu rõ dòng sông, nắm chắc “binh pháp của thần sông, thần đá”, “nắm được cái quy luật tất yếu của dòng nước Sông Đà”

- Tài điều khiển con đò, tài vượt thác tới mức thiên nghệ; nghề lái đò được đẩy lên tới mức xuất chúng, siêu việt, như một thứ nghệ thuật

c) Ý nghĩa của hình tượng người lái đò

- Thể hiện lòng yêu nước của tác giả: yêu mến, tự hào trước vẻ đẹp thông minh, dũng cảm và rất mực tài hoa của con người Việt Nam

- Quan niệm với chủ nghĩa anh hùng: anh hùng ở những con người binh dị, có trong cuộc sống lao động sản xuất hàng ngày (Một ông lão đã bảy mươi tuổi có những hành động phi thường, sau hàng trăm lần chở hàng chiến thắng dòng sông “hung bạo” lập nên những kì tích, lại trở về với cuộc sống đời thường mà không hề nghĩ mình đã có những hành động anh hùng). Ông lái đò hình tượng đẹp về người lao động mới

- Góp phần thể hiện phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân:

     + Nguyễn Tuân hay hướng tới cái khác thường, cái phi thường để gây ấn tượng và cảm xúc mãnh liệt, tài phải tới mức siêu phàm. Với “Người lái đò Sông Đà”, tài của ông đò trong nghề sông nước đã đat tới mức siêu phàm

     + Nhà văn thường tìm hiểu, miêu tả vẻ đẹp con người từ phương diện tài hoa nghệ sĩ. Trong nghề lái đò, ông đò như người nghệ sĩ của sông nước

3. Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân qua tác phẩm:

a) Phong cách nghệ thuật tài hoa, uyên bác

- tài hoa trong sử dụng từ ngữ, hình ảnh, câu văn:

     + Từ ngữ: tác giả sáng tạo từ mới lạ, độc đáo, chính xác và tinh tế: áng tóc trữ tình, mặt méo bệch, đám tảng đám hòn, nước ặc ặc lên, đòi ăn chết cái thuyền…

     + Hình ảnh: tác giả sáng tạo hình ảnh mới lạ, độc đáo: so sánh dòng sông như “áng tóc trữ tình”, tiếng thác nước Sông Đà như một ngàn con trâu mộng da bùng bùng cháy, đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa…

     + Câu văn biến hoá linh hoạt, khi tầng tầng lớp lớp, khi ngắn gọn đột ngộ. Lúc cần thiết, nhà văn phá vỡ các quy tắc ngữ pháp thông thường để thể hiện cảm xúc, diễn tả đối tượng

- Uyên bác:

    + Nguyễn Tuân thường vận dụng tri thức nhiều nhanh văn hoá, nghệ thuật khác nhau để tiếp cận và miêu tả đối tượng (tri thức về địa lí, lịch sử, văn hoá, điện ảnh để miêu tả Sông Đà; tri thức về võ thuật, quân sự để miêu tả cuộc vượt thác của người lái đò như một trận thuỷ chiến)

    + Tác phẩm của Nguyễn Tuân không những có giá trị văn học mà còn có giá trị văn hoá

b) Hay hướng tới cái khác thường, cái phi thường để gây ấn tượng và cảm xúc mãnh liệt

- Đẹp phải tới mức tuyệt mĩ, dữ dội phải tới mức khủng khiếp (hình tượng sông Đà), tài phải tới mức siêu phàm (hình tượng người lái đò)

c) Thường tìm hiểu, miêu tả vẻ đẹp con người từ phương diện tài hoa, nghệ sĩ

- Hình tượng người lái đò

d) Sở trường ở thể tuỳ bút

- Phong cách tài hoa, uyên bác, độc đáo của Nguyễn Tuân đưa tác giả tới thể tuỳ bút như một điều tất nhiên. Vì ở thể tuỳ bút, tác giả có thể tự do, thoải mái bộc lộ hết cái tôi của mình

- Tuỳ bút pha bút kí không chỉ hướng nội để thể hiện cảm xúc, suy tư, diễn tả thế giới nội tâm của tác giả mà còn hướng ngoại để phán ánh hiện thực cuộc sống, ghi chép thành tích xây dựng, chiến đấu của nhân dân ta.

III. Nghệ thuật:

- Lối ví von độc đáo, bất ngờ chính xác

- Chi tiết chân thực và hóm hỉnh

- Cách viết phóng túng, ngôn ngữ điêu luyện

- Sự hiểu biết khoa học cận kẻ, sức tưởng tượng phong phú, cảm xúc sâu lắng

- Lòng yêu thương và từ hào về con người, quê hướng, đất nước.

IV. Ý nghĩa:

- “Người lái đò Sông Đà” là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước say đắm, thiết tha của một con người muốn dùng văn chương để ca ngợi vẻ đẹp kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng của thiên nhiên, và nhất là của con người lao động bình dị ở miền Tây Bắc.

- Tác phẩm còn cho thấy công phu lao động nghệ thuật khó nhọc, cùng sự tài hoa, uyên bác của người nghệ sĩ Nguyễn Tuân trong việc dùng chữ nghĩa để tái tạo những kì công của tạo hoá và những kì tích lao động của con người.

V. Luyện tập:

Đề 1: Phân tích vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc qua hình ảnh con sông Đà và người lái đò sông Đà

A. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả: Nguyễn Tuân

- Tác phẩm: “Người lái đò sông Đà” nằm trong tập Tuỳ bút Sông Đà (1960) – tập truyện chính là thành quả trong chuyến đi đầy gian khổ mà hào hứng với miền Tây Bắc xa xôi rộng lớn của nhà văn

=> Trong tác phẩm, Nguyễn Tuân đã khắc hoạ con sông Đà thơ mộng, đầy sức sống, vừa dữ dội mãnh liệt lại vừa thơ mộng trữ tình. Trên dòng sông ấy, hiện lên hình ảnh người lái đò hiên ngang, tự do vững chia và đẹp như một huyền thoại

B. Thân bài:

1. Hình tượng con sông Đà – vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc:

- Tính chất hung bao, dữ ác của con sông: bờ sông dựng thành vách, đúng ngọ mới có ánh sáng. Chỗ vách đá chẹt lòng sông như một cái yết hầu, có thể ném nhẹ hòn đá từ bờ này sang bờ kia, hoặc con nai, con hổ có thể nhảy vọt từ bên này sang bên kia một cách dễ dàng; cảnh ghềnh đá và sóng: nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió,… Hung dữ hơn nữa là những thác nước với âm thanh vừa như kẻ điên cuồng, lồng lộn dữ dội biết gầm, réo, trách móc, van xin, lại vừa như một đàn trâu mộng đang bị lửa đốt điên cuồng phá phách,… Đá dưới lòng sông biết bày binh bố trận, có cửa sinh, cửa tử, có phòng tuyến trước sau; biết dụ, biết lừa, hỏi, thách thức,… reo hò vang dậy uy hiếp con người.

- Tính chất trữ tình, thơ mộng của con sông: từ trên cao thấy con sông tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình…Nước sông Đà thay đổi theo mùa: mùa xuân xanh ngọc bích, mùa thu lừ lừ chín đỏ,… Dòng sông Đà lấp lánh vẻ đẹp cổ thi, vẻ đẹp của một cố nhân gợi nhớ câu thơ: Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu. Ven sông êm ả, lặng tơ, một vẻ đẹp thấm đẫm chất thơ. Cảnh đôi bờ cũng thật kì thú, thiên nhiên hoang sơ: nương ngô nhú lá non, cỏ gianh đang rã non búp, đàn hươu cúi đầu ăn cỏ, dưới sông đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bung trắng như bạc,…

2. Hình ảnh người lái đò sông Đà – vẻ đẹp con người Tây Bắc:

- Ông lái đò là người nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá. Ông nhớ như “đóng đanh vào lòng” những trùng vi thạch trận của trận bát đồ

- Hình ảnh ông lái đò chỉ huy chiếc thuyền vượt thác được miêu tả như một vị tướng, bình tĩnh, rõ ràng, dứt khoát. Ông dũng cảm nén chịu cái đau thể xác do cuộc vật lộn với sóng thác gây nên, phá các “trùng vi thạch trận” trên sông Đà bằng những động tác táo bạo, linh hoạt và hết sức chuẩn xác

- Ba lần vượt thác của ông đò thực sự là ba trận chiến gian nan, vất vả. Dòng sông căng hung dữ thì càng tôn lên vẻ đẹp của con người lao động. Nguyễn Tuân viết nên khúc tráng ca hào hùng về vẻ đẹp của con người lao động.

C. Kết bài:

- Thấy được vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ vừa kiều diễm, thơ mộng, dữ dội, khắc nghiệt của thiên nhiên Tây Bắc

- Thấy được hình ảnh lao động cần cù, kheo léo, khôn ngoan, tài hoa, trí dũng của người dân đang vật lộn với thiên nhiên

- Đó là cuộc đời của người lái đò vô danh, một người hùng nơi có những ngon thác dữ hoang vu, một chất vàng mười đã qua thử lửa. Nguyễn Tuân đã tôn vinh giá trị con người và lao động.

Đề 2: Phân tích tác phẩm Người lái đò Sông Đà – Nguyễn Tuân

I. Mở bài:

- Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân – phong cách viết

-> “Người lái đò sông Đà” là thiên tùy bút thể hiện rõ nét phong cách đó.

=>Thông qua miêu tả người lái đò trên sông Đà, Nguyễn Tuân đã ca ngợi những con người lao động chân tay bình thường những họ cũng là những nghệ sĩ tài ba. Họ góp phần không ít công sức nhỏ bé của mình vào quá trình xây dựng miền Tây Bắc Tổ quốc nói riêng, xây dựng đất nước nói chung.

II. Thân bài:

1. Khái quát:

- “Người lái đò sông Đà” là bài tùy bút được in trong tập “Sông Đà” của Nguyễn Tuân.

- Tác phẩm là kết quả của nhiều dịp ông đến với Tây Bắc trong thời kỳ

kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là kết quả của chuyến đi thực tế Tây

Bắc năm 1958.

2. Phân tích:

- Bằng sự quan sát và khả năng miêu tả, Nguyễn Tuân đã dựng lên hình tượng người lái đò hết sức độc đáo:

a. Tuổi tác và công việc :

- 70 tuổi làm nghề lái đò dọc trên con sông Đà, danh hết nửa đời người nghề với

b. Ngoại hình:

- “Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh gò lại như kẹp lấy một cái cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vời vợi như mong một cái bến xa xăm nào đó trong sương mù”

=> Những từ láy gợi hình, gợi cảm, những hình ảnh so sánh ví von độc đáo, gắn với những hình ảnh của nghề sông nước, gợi ông lái đò gân guốc, khỏe mạnh, lanh lẹ.

- Thân thể ông được khắc bởi những dấu ấn của nghề nghiệp, lẽ vậy ông là một con người yêu nghề, gắn bó với nghề.

c. Một người lao động trí dũng, một nghệ sĩ tài hoa trong nghệ thuật leo ghềnh vượt thác:

- Cuộc sống của ông đò chính là cuộc đấu tranh với thiên nhiên để giành sự sống từ tay nó về tay mình.

- Người lái đò phải đối đầu với các kẻ thù trên sông nước như: vách đá, những cái hút

nước, thác nước, đá sông … chúng bày thạch trận như một la bàn khổng lồ, một trận đồ thiên la địa võng để thách đố và khủng bố tinh thần những người làm nghề sông nước.

- Là một con người từng trải, hiểu biết thành thạo nghề lái đò và đã đạt đến trình độ “lấy mắt và nhớ tỉ mỉ những luồng nước của tất cả các con thác hiểm trở”.

- Trí nhớ siêu phàm của ông lái đò về con sông Đà, ông thuộc lòng con sông Đà như thuộc một thiên trường ca, thuộc đến cả những dấu chấm than, chấm câu và cả những đoạn xuống dòng.

- Hiểu biết đối tượng, nắm vững “tính tình phức tạp” của sông Đà:

     + Biết bọn đá mai phục và bày thạch trận trên sông: nào là đá, đá tảng chia ba hàng tiền vệ, có hai hòn canh cửa như là để dụ đối phương. Nào là những boong ke chìm ở tuyến hai, pháo đài nổi ở tuyến ba. Nào là chiến thuật đánh “khuýp quặt vu hồi”, nào là quyết tâm chiến lược “phải tiêu diệt thuyền trưởng và thủy thủ ngay ở chân thác”.

=> Ông lái đò hiểu đối phương một con sông ranh ma, một con thuyền đơn

độc đàn ở vào cái thế thập tử nhất sinh, ngàn cân treo sợi tóc.

     + Với lòng quả cảm, niềm tin vào bản thân, người lái đò như một vị tướng xung trận, oai phong, tỉnh táo ứng phó linh hoạt ở ba vòng thạch trận để giành phần thắng.

        * Trùng vi thạch trận thứ I: Bọn đá đứa thì “hất hàm” đứa thì “thách thức”, “mặt nước hò la ùa vào bẻ gãy cán chèo”, sóng nước “đá trái, thúc gối vào bụng vào hông thuyền”… Ông lái đò đã bị thương nhưng cố nén, “hai chân vẫn kẹp chặt cuống lái”, “mặt méo bệch” nhưng “tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn, tỉnh táo”

=> Là cuộc tỉ thí giữa hai đô vật quá chênh lệch về sức lực, nhưng bằng sự bình tĩnh, gan dạ, niềm tin ông lái đò đã giành chiến thắng

       * Trùng vi thạch trận thứ II: Ông “nắm chắc binh pháp của thần sông, thần đá” và thuộc quy luật phục kích của lũ đá (sông Đà tăng nhiều cửa tử, cửa sinh nằm ở phía hữu ngạn) nên người lái đò thay đổi chiến thuật: “cưỡi lên thác sông Đà như cưỡi hổ”, chỗ “rảo bơi”, chỗ “đè sấn”, chỗ “chặt đôi ra” để mở đường tiến

=> Hàng loạt những động từ cho ta thấy người lái đò thông minh, chủ động, đầy kinh nghiệm

       * Trùng vi thạch trận thứ III: Sông Đà bày trận bên phải bên trái đều là

luồng chết cả, luồng sống ở ngay giữa. Người lái đò phóng thẳng thuyền

chọc thẳng cửa giữa, vút, vút thuyền như mũi tên tre xuyên nhanh qua

hơi nước

=> Biện pháp nghệ thuật so sánh nhằm thể hiện trình độ lái đò đạt

đến sự tài hoa nghệ thuật, người lái đò táo bạo, quyết liệt, lái đò

nhanh và chính xác như tên bay khỏi nỏ cắm trúng đích đến.

     + Ung dung, khiêm tốn: vượt qua ba vòng thạch trận đầy khó khăn, nguy

hiểm nhưng sau đó chẳng ai bàn lời nào về những chiến thắng vừa qua mà

họ chỉ nói về cá anh vũ, cá dầm xanh, …

=> Họ thật khiêm nhường, cái phi thường đã trở thành cái bình thường, đầy chất nghệ sĩ

III. Kết bài:

- Tác phẩm mang đậm phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân: ngôn ngữ phong phú, kiến thức uyên bác, yêu thiên nhiên, yêu những con người lao động bình thường nhưng đậm chất tài hoa

- Hình ảnh người lái đò mang dáng dấp của một cá nhân cụ thể và là hình ảnh nhân dân trong thời kỳ mới, thời kỳ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Bài viết gợi ý: