Bài làm

          Trần Tế Xương hay còn gọi là Tú Xương, quê ở làng Vị Xuyên, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định. Cuộc đời của Tú Xương là cuộc đời của những bi kịch chủ yếu xuất phát từ việc ông hỏng thi. Ông học rộng tài cao nhưng thi mãi cũng chỉ đỗ tú tài, trở thành một người tài vô dụng, một người chồng, một người cha đầy tình yêu thương, danh dự lại phải sống ăn bám vào người khác. Nổi bật trong thơ Tú Xương là những cách tân: kết thúc bài thơ thường không có hậu, sử dụng ngôn ngữ rất hiện đại thậm chí là cả ngôn ngữ phương Tây.

          Các tác giả trung đại thường ít viết về người vợ, nếu có viết cũng chỉ viết khi những người vợ đã qua đời. Tú Xương thì ngược lại, ông có rất nhiều bài thơ, bài văn viết về vợ và viết ngay khi bà Tú còn đang sống. Tình cảm mà Tú Xương thể hiện trong những bài thơ ấy là trân trọng, yêu quý, ngưỡng mộ nhưng rất áy náy, xót xa. Thương vợ là một trong những bài thơ hay và cảm động nhất của Tú Xương khi viết về bà Tú.

             Nội dung chính của bài thơ xoay quanh hình ảnh tần tảo lam lũ của bà Tú và thái độ vẻ đẹp nhân cách của tác giả. Ngay từ những câu thơ đầu tiên, hình ảnh bà Tú đã hiện ra thật cụ thể, gợi đầy xót xa và sự vất vả:

                              “Quanh năm buôn bán ở mom sông

                                Nuôi đủ năm con với một chồng

                               Lặn lội thân cò khi quãng vắng

                              Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Trước hết, bà Tú hiện lên với ông việc buôn bán. Đó là buôn bán gạo thúng, gạo đội, phải thức khuya dậy sớm, phải đội những thúng dạo nặng trên đầu vừa đi vừa giao bán. Qua cách miêu tả, ta có thể thấy công việc ấy thật nặng nhọc và thật quá sức với người phụ nữ đặc biệt là “con gái nhà dòng “ như bà. Câu thơ đầu tiên không chỉ miêu tả công việc mà còn gợi lên thời gian và không gian làm việc của bà Tú. Bà Tú phải làm việc quanh năm suốt tháng không ngơi nghỉ, guồng quay bất tận của công việc như đang vắt kiệt sức lao động của người phụ nữ. Không gian làm việc được miêu tả ở đây là mom sông, phần đất ở bờ sông nhô ra phía lòng sông, nơi người làng chài thường hay tụ tập mua bán. Ba bề mom sông đều là nước, nó có thể bị sụt, bị lún hoặc nở bất kì lúc nào. Không gian làm việc còn là những quãng vắng, những nơi vắng vẻ với bao tai họa rình rập. Đó còn là những buổi đò đông, những chuyến đò sang sông đông đúc mà muốn sang sông được ta phải tranh giành, giành giật. Ông cha ta ngày xưa cũng đã từng đúc kết qua câu ca dao:

                                        “Con ơi nhớ lấy câu này,

                                 Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua.”

Tuy làm việc ở những không gian khác nhau, nhưng đều giống nhau ở tính chất nguy hiểm. Khi bà Tú làm việc ở đây không chỉ có vất vả mà đôi khi còn liều lĩnh, đánh đổi cả tính mạng để lo chuyện cơm áo gạo tiền.

                                 “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”

               Làm việc vất vả cực nhọc là thế, nguy hiểm khó khăn là thế, nhưng khi làm việc, bà Tú lại không có lấy một người bạn đồng hành. Không có lấy một người sẻ chia, cứ một thân một mình lặn lội, tự làm, tự lo nên nỗi vất vả càng tăng lên gấp bội. Trong cuộc đời của mình, bà Tú chỉ như thân cò lặn lội, lẻ loi, cô độc. Khi viết hình ảnh “ lặn lội thân cò” Tú Xương đã chịu ảnh hưởng của ca dao

 “Con cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.”

nhưng đồng thời cũng thể hiện sự sáng tạo của mình. Tác giả không dùng cách nói “ cái cò, con cò” – những cách dùng từ đơn giản chỉ để gọi tên mà dùng “thân cò” để gợi tả hình ảnh bà Tú gầy gò với thân phận thật đáng thương. Từ “ thân” trong cách viết của Tú Xương cũng gợi chúng ta nhớ đến hình ảnh người phụ nữ với số phận lênh đênh trong những câu ca dao xưa:

                                “Thân em như của ấu gai.

                       Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen,

                                 Ai ơi nếm thử mà xem.

                       Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi,”

Hay:

                           “Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

                            Bảy nổi ba chìm với nước non.”

                Trách nhiệm của bà Tú là phải “ nuôi đủ năm con với một chồng”. Đây là trách nhiệm vô cùng nặng nề, to lớn thể hiện sự giỏi giang, đàm đang của bà Tú. Mặc dù luôn tự mang trách nhiệm lao động nuôi sống cả gia đình áp đặt lên mình nhưng bà Tú không hề có một lời kêu ca than vãn, hơn nữa luôn dành cho chồng con những gì tốt đẹp nhất. Đó chính là một biểu hiện cao cả đáng trân trọng của một người mẹ, một người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh.

                   Tú Xương là một người hiểu vợ, trân trọng và thương vợ, đồng cảm với những khó khăn bất hạnh và trân trọng tài năng, đức hạnh của vợ. Trong cách đếm “ nuôi đủ năm con với một chồng”, ông Tú thể hiện nỗi chua xót, đau đớn khi thấy giá trị của bản thân mình cũng chỉ giống như những đứa trẻ con, cũng chỉ nhờ vào một tay chăm sóc, nuôi dưỡng của bà Tú.

                 Vẻ đẹp của bà Tú còn nằm ở thái độ sống, ở cách mà bà đương đầu với những khó khăn:

                           “ Một duyên hai nợ âu đành phận

                             Năm nắng mười mưa dám quản công

                             Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

                            Có chồng hờ hững cũng như không”

“ Một duyên hai nợ” được hiểu là phần nợ thì nhiều mà phần duyên thì ít, cái bất hạnh nhiều hơn cái duyên tình, dân gian ta có câu:

                             “Kiếp người sao mãi long đong,

                             Ông tơ bà Nguyệt chỉ hồng se duyên”

 Đó chính là cái trớ trêu của kiếp người khi mà phần duyên chỉ có một mà phần nợ lại có đến hai, chẳng khác nào:

                                 “Chồng gì anh, vợ gì tôi,

                            Chẳng qua là cái nợ đời chi đây”

 “Năm nắng mười mưa” gợi lên một cuộc sống đầy khó khăn, vất vả. Trái với những nghịch cảnh trong cuộc sống, hình ảnh bà Tú ngời sáng khi “ âu đành phận”, “dám quản không”. Bà không than vãn, không chạy trốn, không buông xuông, ngược lại, bà chấp nhận số phận, đối mặt với số phận để vươn lên, bà không tiếc công sức, không nề hà khó khăn, dù có hiểm nguy đến mấy đi nữa, bà vẫn cần mẫn làm việc để nuôi sống gia đình.

                Hình ảnh của bà Tú là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ thời xưa, số phận vất vả, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng lại luôn tiềm tàng những vẻ đẹp đảm đang, tháo vát, giàu đức hi sinh và lòng vị tha. Đó là những vẻ đẹp khuất lấp mà chúng ta khó có thể nhận ra khi nhìn thoáng qua.

                  Ông Tú đã chứng kiến, hiểu hết nỗi khổ của vợ nhưng không thể làm gì giúp vợ, chỉ có thể đứng mà nhìn đến áy náy, dằn vặt đến nhẫn tâm, tàn nhẫn. Ông cất tiếng chửi thói đời bạc bẽo trong sự căm phẫn bởi chính thói đời bạc bẽo ấy đã khiến một người chồng như ông thành kẻ vô tác dụng, có cũng như không. Qua tiếng chửi ấy, chúng ta hiểu được phần nào nỗi lòng cũng như vẻ đẹp nhân cách của Tú Xương. Đó cũng là lí do ở một bài thơ khác ông đã viết:

                            “Con gái nhà dòng lấy chồng kẻ chợ

                             Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ”

              Với nghệ thuật đảo ngữ, nghệ thuật sử dụng các từ láy tượng thanh, tượng hình kết hợp với những cách tân và nghệ thuật trào phúng, qua bài thơ Thương vợ Tú Xương đã ghi lại một cách xúc động và chân thực hình ảnh người vợ tần tảo, giàu đức hi sinh. Ngoài ra, bài thơ không chỉ nhấn mạnh những cảm xúc, cũng như bao xúc cảm của con người, mà nó còn thể hiện sự da diết trong mọi cảm xúc của tác phẩm, với nội dung phê phán tính chất phong kiến, một xã hội tối tăm, thối nát, cuộc sống của người dân thì cực khổ, nhân dân chịu bao nhiêu gánh nặng.

Luyện Tập

Câu 1: Phân tích hình ảnh người phụ nữ Việt năm thời xưa qua bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương.

Hướng dẫn:

- Hình ảnh bà Tú là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Năm xưa:

·       * Đó là người phụ nữ với thân phận bất hạnh, cuộc sống đầy vất vả, khó khăn: phải làm việc buôn bán, không người đồng hành, làm ở những nơi vô cùng nguy hiểm như mom sông, buổi đò đông, quãng văng,…….

·       * Đó là người phụ nữ giàu đức hi sinh, giàu lòng vị tha, một người mẹ hiền, một người vợ đảm luôn cam chịu và biết hi sinh tất cả vì chồng conèVẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt, luôn mang những phẩm chất tốt đẹp

- Nghệ thuật miêu tả bà Tú:

·     *   Bài thơ mang đậm chất trào phúng

·       * Giọng thơ mỉa mai, chua xót

·       * Thể thơ 7 chữ

·       * Sử dụng nhiều từ láy tượng thanh, tượng hình, nghệ thuật đảo ngữ…..

Câu 2 : Phân tích chất trào phúng trong bài thơ Thương vợ của Tú Xương.

Hướng dẫn :

-         Chất trào phùng của bài thơ thể hiện ở ngay trong khổ thơ đầu, tác giả đã thể hiện một cuộc sống vất vả của người nông dân Việt, quanh năm làm ăn vất vả, nơi sinh sống ở mom sông, buôn bán để lấy tiền sinh sống, số tiền kiếm được cũng chỉ đủ để nuôi con với chồng, không có của ăn của để, cuộc sống tất bật nhưng vất vả và cũng chả có được một cuộc sống hạnh phúc.

-         Nó thể hiện ngay trong toàn bộ tác phẩm bởi sự nghịch lý đang gây cười trong tác phẩm, với nhan đề thương vợ, chứng tỏ rằng nhân vật chồng cùng cảm động trước nỗi khổ mà người vợ đang phải gánh chịu, nhưng không có cách nào khác để làm được những điều đó, chỉ biết thể hiện nỗi xót thương qua những nghệ thuật sâu sắc được thể hiện đậm nét qua tác phẩm của mình. Thương vợ không chỉ là bài thơ mang đậm tính chất trào phúng, nghệ thuật trào phúng làm tăng thêm tiếng cười cho toàn bộ tác phẩm này.

Bài viết gợi ý: