Bài phân tích cực hay tác phẩm “TÔI YÊU EM”
(Puskin)
1. Lý thuyết
1.1.
Tác giả
- A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799 - 1837), “Mặt trời của thi ca Nga”, là nhà thơ vĩ đại “có ý nghĩa to lớn không chỉ trong lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga” (N. A. Đô-brô-liu-bốp).
- Pu-skin là một thi sĩ lừng danh với những tiểu thuyết
bằng thơ nổi tiếng, những trường ca sâu lắng, những truyện ngắn xuất sắc, những
ngụ ngôn thâm trầm...
- Những sáng tác của ông đã thể hiện tuyệt đẹp tâm hồn
nhân dân Nga khao khát TỰ DO và TÌNH YÊU, ông là một tiếng nói Nga trong sáng,
thuần khiết, thể hiện cuộc sống một cách giản dị, chân thực.
1.2.
Tác phẩm
“Tôi yêu em” là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin, được khởi nguồn từ mối tình của nhà thơ với A. A. Ô-lê-nhi-na – người mà mùa hè năm 1829 Pu-skin đã cầu hôn nhưng không được chấp nhận. Bài thơ vốn không tên, nhan đề “Tôi yêu em” là do người dịch đặt.
1.3.
Đọc hiểu văn bản
1.3.1.
Tâm trạng dằn xé bồn chồn khó tả vì yêu của nhà thơ (4 câu đầu)
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;
Nhưng không để em
bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn
bóng u hoài.”
- Đại từ
xưng hô “tôi”, “em” thể hiện sự tinh tế khéo léo trong cách dùng từ của nhà thơ,
cách gọi trang trọng dành cho người mình dành trọn trái tim để yêu thương.
- Giọng thơ êm đềm chậm rãi,
ân cần đầy chăm chút, chu đáo. Lời khẳng định “Tôi yêu em” ngay từ khi bắt đầu thể hiện sự tôn trọng với người con gái ấy
và ý thức nâng niu trân trọng tình yêu. Ở đây nhà thơ lại khéo léo pha chút ngập ngừng, cân nhắc, phân
vân “chừng có thể”, “chưa hẳn” => làm tăng thêm gia vị cho
tình yêu mà nhà thơ đã nung nấu từ lâu, cho dù tình yêu chỉ xuất phát từ một
phía, đơn phương một mình biết, một mình mình hay. Nó thực sự chân thành, mạnh
mẽ vì đến giờ đây nó “chưa hẳn đã tàn
phai”.
- “Ngọn lửa tình” là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu nồng cháy, ấm áp, nồng nàn và lãng mạn. Nhà thơ đã thắp lên ngọn lửa tình yêu cháy sáng lan tỏa cả không gian, làm lời thơ như bay bổng, hữu tình.
=> Tình yêu của Pu-skin khơi nguồn từ những cảm xúc
chân thật từ tận trái tim, cụ thể, bền bỉ, kiên trì. Lời thơ toát lên được vẻ đẹp
phong phú nên thơ nên tình trong thế giới tâm hồn của ông.
“Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.”
Yêu nhưng luôn hướng về đối phương để em không bận
lòng về anh nữa, hi sinh vì niềm vui, vì hạnh phúc nơi em chọn lựa. Ở đây không
có sự ràng buộc nhau, tâm hồn đôi bên cứ thoải mái, bay bổng theo cách riêng của
mình. Nhân vật trữ tình chất chứa một niềm thương yêu “em” chất ngất nhưng chàng xin phép được
rút lui, nhìn từ xa dõi theo từng bước em đi vì không muốn em muộn phiền và bận
tâm thêm nữa. Tình yêu đơn phương đầy hi sinh của chàng trai, mãnh liệt nhưng
không hề yếu đuối, không ích kỷ và chẳng cần van xin. => Một tình yêu đẹp
và vô cùng ý nghĩa. Những người đang yêu thường thi vị hóa những thứ xung quanh
làm tình yêu trở nên đẹp và lãng mạn hơn rất nhiều, cảnh vật nhuốm màu của tình
yêu đôi lứa. Bởi thế mà nhiều nhà thơ đã say đắm với nó, họ đã không dằn lòng
được mà thốt lên lời yêu thương bằng ngòi bút điệu nghệ của riêng mình.
Điển hình là ông hoàng thơ tình Xuân Diệu luôn sống vì
tình yêu cháy bỏng:
“Anh chỉ có một
tình yêu thứ nhất
Anh cho em, kèm với
một lá thư
Em không lấy và
tình anh đã mất
Tình cho đi không
lấy lại bao giờ.”
(“Tình yêu thứ nhất” – Xuân Diệu)
Hay
nữ thi nhân Xuân Quỳnh cũng đã không ít lần rạo rực vì tình yêu:
“Em trở về đúng
nghĩa trái tim em
Là máu thịt đời
thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc
mặt trời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh
cả khi chết đi rồi”
(“Tự hát” – Xuân Quỳnh)
Tình yêu mạnh mẽ khi con người biết dấn thân và cháy hết
mình, yêu bằng cả con tim, nhưng không mưu cầu nhận lại vì sống là cho đi đâu
chỉ nhận cho riêng bản thân mình. Học cách hi sinh trong tình yêu cũng làm nó
thêm phần đằm thắm, đó chẳng phải là điều ngu ngốc mà tất cả đều xứng đáng vì
trân trọng những cảm xúc, những rung động của bản thân thì không có gì là sai
trái, đáng trách. Có những mối tình vừa mới chớm nở đã chia li lụi tàn nhưng những
xúc cảm, ấm áp và ngọt ngào mà nó tạo nên thì lại theo ta đến cả cuộc đời.
1.3.2.
Nỗi đau khổ tuyệt vọng của một mối tình đơn phương (2 câu tiếp theo)
“Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng,
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen”
- Nhịp điệu câu thơ có vẻ nhanh hơn 4 câu thơ đầu đã
thể hiện những trạng thái khi yêu luôn thay đổi theo cảm xúc, suy tư, khi chậm
rãi êm đềm, lúc lại dồn dập.
- “Tôi yêu em”
được lặp lại, điệp khúc tình yêu dạt dào, trào dâng như từng đợt sóng vỗ trong
lòng tác giả. Yêu em “âm thầm” không
dám ngỏ lời, yêu cuồng nhiệt trong vô vọng. Nhân vật trữ tình bản lĩnh đương đầu
với thử thách trong tình yêu được thể hiện đầy sinh động, ấn tượng. Chàng trai hiện lên thật phong trần, điềm tĩnh, thú nhận về
mối tình đơn phương của mình, khơi mở những cảm xúc phức tạp nhưng rất đẹp bên
trong tâm hồn. Cũng có lúc chàng trai yếu đuối “rụt rè”, “âm thầm” vì bản
năng, cố kìm nén nỗi lòng nhưng đôi lúc “hậm hực lòng ghen” bởi ai yêu mà chẳng
trải qua những cung bậc sắc thái khác nhau ấy, nhân vật trữ tình bị giày vò
bởi sự ghen tuông cùng nhịp đập sôi nổi mạnh mẽ của trái tim còn đang ấm nóng,
sục sôi hừng hực yêu thương.
- Henry Duvernois cũng đã từng nói về sự ghen tuông
đáng yêu trong tình yêu thế này: “Khi
ghen người ta cầm chắc rằng mình yêu, cũng như khi tự làm cho mình đau đớn, người
ta chắc rằng mình còn sống”. Đúng vậy, có ghen mới làm nên tình yêu đẹp,
làm cho hương vị yêu thêm đậm đà, nhưng lòng ghen hậm hực cũng là con dao hai
lưỡi vò xé tâm can, bóp nghẹt trái tim nếu ta không sáng suốt.
1.3.3.
Sự nhún nhường, chân thành và sự hi sinh cao thượng cho một tình yêu đích thực
(2 câu cuối)
Pu-skin – một con người có tâm hồn bay bổng, có trái
tim nồng nàn, trân trọng sự thuần khiết đối với phụ nữ đã giúp ông vươn tới những
giá trị nhân văn cao cả.
“Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm,
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.”
Nhân vật trữ tình chế ngự lí trí của mình để hi sinh
cho tình yêu, để cống hiến cho một tình yêu đích thực.
- Hai câu kết thật bất ngờ với sự chân thành, hi sinh
cho mối tình sâu nặng “chân thành đằm thắm”
và “tôi” cầu mong cho “em” được yêu như tình yêu tôi dành cho
em. Vì tôi không thể đến, không có cơ hội trao duyên thành một đôi thì mong em
sẽ hạnh phúc với người em chọn. => Tình yêu cần hướng tới sự đồng điệu, đồng
cảm, sự tận tụy hi sinh, cần mãnh liệt để yêu và tinh tế để cảm nhận. Chàng
trai luôn khao khát được dâng hiến, yêu thương và hạnh phúc hơn khi thấy người
mình yêu được mỉm cười rạng rỡ hạnh phúc. => Đây là lời chúc tuyệt vời nhất,
rất tình cảm và rất thông minh.
- Nhà thơ đã vận dụng nhuần nhuyễn thủ pháp nghệ thuật tạo sự đối lập tương phản giữa các vế của câu thơ để thấy được những mâu thuẫn trong sắc thái thể hiện của tình yêu, ngôn từ rất mộc mạc, giản dị như tiếng lòng của những người đang yêu. Pu-skin đã thể hiện một quan niệm hoàn chỉnh nhưng có phần mới mẻ về tình yêu – một tình yêu chân chính. Sự hài hòa hoàn hảo giữa cảm xúc và lí trí, tình yêu không thật sự bản năng ích kỉ nhưng cũng rất nhẹ nhàng, không hề khô cứng, nặng nề.
Bài thơ có sức hấp dẫn không thể chối từ bởi “Đối tượng tự nó hấp dẫn đến mức chả cần gì tới sự tô điểm nào cả” (Pu-skin).
2. Luyện tập
Đề: So sánh quan niệm về tình yêu trong
sáng trong bài thơ “Tôi yêu em” của Pu-skin và bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh.
1. Giới thiệu vài
nét về hai tác giả tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác của hai bài thơ cần phân tích:
- Giới thiệu
tác giả Pu-skin, tác phẩm “Tôi yêu em”
+ A-lếch-xan-đrơ Xéc-ghê-ê-vích Pu-skin (1799 - 1837),
“Mặt trời của thi ca Nga”, là nhà thơ
vĩ đại “có ý nghĩa to lớn không chỉ trong
lịch sử văn chương mà cả trong lịch sử thức tỉnh của dân tộc Nga” (N. A.
Đô-brô-liu-bốp).
+ Những sáng tác của ông đã thể hiện tuyệt đẹp tâm hồn
nhân dân Nga khao khát TỰ DO và TÌNH YÊU, ông là một tiếng nói Nga trong sáng,
thuần khiết, thể hiện cuộc sống một cách giản dị, chân thực.
+ “Tôi yêu em”
là một trong những bài thơ tình nổi tiếng của Pu-skin, được khởi nguồn từ mối
tình của nhà thơ với A. A. Ô-lê-nhi-na – người mà mùa hè năm 1829 Pu-skin đã cầu
hôn nhưng không được chấp nhận.
- Giới thiệu nhà thơ Xuân Quỳnh và tác phẩm “Sóng”
+ Xuân Quỳnh (1942 - 1988) là một gương mặt tiêu biểu
của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mĩ. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một
tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình
dị, đời thường.
+ “Sóng” được rút từ tập “Hoa dọc chiến hào” (1968),
là một trong những bài thơ tình hay nhất của Xuân Quỳnh và của thơ ca hiện đại.
=> Cả hai bài thơ đều thể hiện khát vọng trong tình
yêu, mãnh liệt, đằm thắm, dịu dàng và hướng tới những giá trị tốt đẹp nhất của
tình yêu. Nhưng mỗi tác phẩm đều thể hiện nỗi niềm của mình theo cách riêng bằng
ngòi bút riêng của mỗi tác giả.
2. Nêu ra điểm giống
nhau trong quan niệm tình yêu của hai tác phẩm:
- Trước hết
điểm tương đồng giữa hai quan điểm tình yêu của hai nhà thơ là đều viết về tình
yêu đôi lứa trong niềm thương nỗi nhớ. Tất cả biểu hiện, diễn biến phức tạp
trong tâm hồn những người đang yêu rốt cuộc cuối cùng là hướng tới khát vọng
yêu thương, mong muốn gặp được một trái tim đồng điệu, giao cảm và trao duyên.
- Trong ca dao dân ca xưa, con người đã diễn tả những
trạng thái phức tạp khi yêu rất giản dị:
+ “Yêu nhau yêu cả đường đi”
+ “…..”
- Bài thơ “Tôi
yêu em”: Tình yêu cần hướng tới sự đồng điệu, đồng cảm, sự tận tụy hi sinh,
cần mãnh liệt để yêu và tinh tế để cảm nhận. Chàng trai luôn khao khát được
dâng hiến, yêu thương và hạnh phúc hơn khi thấy người mình yêu được mỉm cười rạng
rỡ hạnh phúc.
- Bài thơ “Sóng”:
Tình yêu khát vọng của người phụ nữ “khát khao sống, khát khao yêu”, dù bình dị
nhưng rất đỗi mãnh liệt, diễn tả được hết thảy cái nỗi nhớ đến điên cuồng của
cô gái. Bởi tình yêu ấy đã vượt qua mọi giới hạn để đến với tình yêu sâu rộng,
vượt ra mọi bến bờ vũ trụ, xuyên qua không gian, thời gian.
=> Điểm tương đồng: cả hai thi sĩ đều rất tài tình,
dụng công mượn hình ảnh, sự vật, hiện tượng tự nhiên xung quanh để diễn tả tâm
tư tình cảm của mình.
3. Sự khác biệt:
a. Quan niệm tình yêu trong “Tôi yêu em” của Pu-skin:
- Pu-skin đã thể hiện một quan niệm hoàn chỉnh nhưng
có phần mới mẻ về tình yêu, một tình yêu chân chính. Sự hài hòa hoàn hảo giữa cảm
xúc và lí trí, tình yêu không thật sự bản năng ích kỉ nhưng cũng rất nhẹ nhàng,
không hề khô cứng, nặng nề.
- Tình yêu đơn phương đầy hi sinh của chàng trai, mãnh
liệt nhưng không hề yếu đuối, không ích kỷ và chẳng cần van xin. Một tình yêu đẹp
và vô cùng ý nghĩa. Tình yêu của Pu-skin khơi nguồn từ những cảm xúc chân thật
từ tận trái tim, cụ thể, bền bỉ, kiên trì. Lời thơ toát lên được vẻ đẹp phong
phú nên thơ nên tình trong thế giới tâm hồn của ông.
- Bài thơ là lời tâm sự chân thật, cụ thể của nhân vật
trữ tình về tình yêu – một mối tình lắm chông gai vì chỉ mình ta chờ, đợi, hi
sinh cống hiến, đơn phương từ một phía mà không được hồi đáp. Bài thơ thấm đượm
một nỗi buồn man mác vì yêu thương trong vô vọng, nhưng nhà thơ không hề bi lụy,
yếu đuối hay tiêu cực trong suy nghĩ mà ngược lại, rất trong sáng, thấu hiểu, đồng
cảm với nỗi lòng của cô gái. Vì nhà thơ yêu bằng con tim ấm nóng, chân thành,
nhân hậu và vị tha.
- “Tôi yêu em”
được lặp lại ba lần, điệp khúc tình yêu dạt dào, trào dâng như từng đợt sóng vỗ
trong lòng tác giả, làm nổi bật cảm xúc chủ đạo của bài thơ.
- “Tôi yêu em”
là lời khẳng định thể hiện sự tôn trọng với người con gái và ý thức nâng niu
trân trọng tình yêu. Tình yêu nảy sinh trong lòng ta, từ từ lớn lên, được nuôi
dưỡng trong lồng ngực hừng hực ngọn lửa yêu thương cháy nóng. Đó chính là sự vận
động tự nhiên của tình yêu, nó có tiếng nói riêng, có một vị trí nhất định
trong trái tim con người. Điệp khúc mà nhà thơ viết nên như một lời giã từ có
tâm, biết suy nghĩ cho người khác chứ không vị kỉ, ham muốn chiếm trọn vẹn nó,
cũng không mưu cầu thủ đoạn để đạt được.
- Liên hệ các bài thơ khác:
“Anh chỉ có một
tình yêu thứ nhất
Anh cho em, kèm với
một lá thư
Em không lấy và
tình anh đã mất
Tình cho đi không
lấy lại bao giờ.”
(“Tình yêu thứ nhất” – Xuân Diệu)
-
Thể thơ 8 chữ phóng khoáng, ngôn ngữ mộc mạc, giản dị.
b. Quan niệm tình yêu trong “Sóng” của Xuân Quỳnh:
- Trong bài thơ này, tình yêu luôn tuyệt đối hóa trong
tình yêu riêng tư, tình yêu đời thường. Cái chất đời thường trong tình yêu gắn
liền với nỗi nhớ ấy đã được Xuân Quỳnh diễn tả thông qua hình tượng “sóng” với sự phân thân của nhân vật trữ
tình “em”.
+ Nhà thơ đã mượn hình tượng sóng để nhân hóa, ẩn dụ
cho bản chất khát vọng tình yêu. Bản chất của sóng cũng là bản chất của tâm hồn
người phụ nữ đang yêu, nó chứa đựng nhiều trạng thái phức tạp của sóng. Tuy
nhiên trong cái phong phú, phức tạp ấy vẫn ánh lên nét nữ tính, dịu dàng bởi
trái tim thiếu nữ khi yêu có lúc “dữ dội”,
“ồn ào” nhưng cái đích hướng đến, tìm
về vẫn là “dịu êm”, “lặng lẽ”. Cái khát vọng tình yêu của tuổi
trẻ được đồng nhất với cái vĩnh hằng của sóng, nói lên thật sâu sắc cái quy luật
muôn đời: tình yêu mãi gắn với tuổi trẻ.
+ Những câu hỏi về nguồn gốc của gió, sóng, của tình
yêu thể hiện sự trăn trở của nhu cầu tự nhận thức, tự phân tích, lí giải nhưng
lại không thể cắt nghĩa. Tuy nhiên, chính sự bí ẩn đó lại có sức hấp dẫn, thôi
thúc con người mãi khám phá.
+ Hình tượng sóng tái hồi 3 lần như một điệp khúc với
nỗi nhớ nhung sâu thẳm, thiết tha. Đó cũng là ẩn dụ về những đợt sóng lòng đang
dâng trào trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Nhân vật trữ tình soi chiếu mình
vào sóng để rồi tự tách ra để cảm nhận trọn vẹn.
=> Hành trình của sóng, của tâm hồn người phụ nữ
trong tình yêu là “cuộc hành trình mà khởi
đầu là sự từ bỏ cái chật chội, nhỏ hẹp để tìm đến một tình yêu bao la, rộng lớn,
cuối cùng là khát vọng được sống hết mình trong tình yêu, muốn hóa thân vĩnh viễn
thành tình yêu muôn thuở” (Trần Đăng Suyển).
- bài “Sóng” viết theo thể thơ ngũ ngôn.
4. Lí do của sự
khác biệt về hai quan niệm tình yêu:
- Do hoàn cảnh sáng tác.
- Do phong cách nghệ thuật, cá tính sáng tạo của mỗi
nhà thơ.
- Sự khác biệt trong cách nghĩ, suy tư của nhà thơ nam
và nữ thi sĩ.
5. Kết thúc vấn đề,
kết bài:
Như vậy qua việc cảm nhận ở trên ta thấy rằng cả hai
bài thơ đều có chung đặc điểm viết về tình yêu đôi lứa nhưng mỗi thi sĩ lại có
một tiếng nói riêng cho tư tưởng của bản thân mình. Chính mỗi nhà thơ lại có một
phong cách thơ và cách nhìn nhận riêng của mình về cuộc sống, góp phần làm
phong phú cho vườn thơ của nhân loại.