BỘ ĐỀ THI THPTQG CHUẨN CẤU TRÚC- ĐỀ 25
Môn: Ngữ Văn

Thời gian làm bài: 120 phút. 

 

I. ĐỌC – HIỂU (3 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
 
                                                                                       KHOẢNG TRỐNG 

          Hẳn em cũng biết thừa rằng, nhiều khi khoảng trống chẳng phải là vô nghĩa. [...]   Khoảng trống cũng góp cho đời những giá trị, nếu em chịu khó “trò chuyện” cùng nó.
          Khoảng trống của hàng cây cho em biết nâng niu bóng mát. Khoảng trống của nấm đất nhắc nhở sự hữu hạn của phận người. Khoảng trống trong thành quách, đền đài cho em ký ức quá khứ.
         Khoảng trống trên chiếc ngai vàng cho em cảm phục ý chí của bước chân người, mải miết và mải miết đi đi, cho đến tận cùng ánh sáng dân chủ, cộng hoà.
         Khoảng trống trong nồi cơm gợi nỗi ám ảnh về ngày giáp hạt.
         Khoảng trống trong không gian cho người ta nhìn thấu lên tận các vì sao.
         Khoảng trống trên trận địa được viết lên mỗi mét vuông đất hai chữ quý và giá. Quý là hương hỏa. Giá là máu xương.
         Khoảng trống trong mắt bạn cảnh báo em đã làm điều gì dại dột.
         Khoảng trống một chỗ ngồi trong lớp học cho em thương cảm về một giọt mực đã lặng lẽ rơi bên ngoài cửa lớp.
         Khoảng trống của chiếc răng cửa trên “hàng tiền đạo” nhắc em ngày em đi qua thời mẫu giáo và trở thành nàng “sinh viên” lớp một.
         Khoảng trống sinh học nhắc nhủ em về một giá trị thiêng liêng chẳng dễ gì bù đắp nổi.
         Và hôm nay khoảng trống sân trường có cho em tiếc nuối năm học đã qua cùng bao dự định, khi những chiếc lá vàng ngồi cô đơn trên ghế đã mơ về một ngày trời đất sang thu?
                                               (Giá trị của khoảng trống, Đoàn Công Lê Huy, dẫn theo https://gacsach.com)

Câu 1. Văn bản sử dụng phương thức lập luận nào? Nêu câu chủ đề của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng của phép liên kết hình thức được tác giả sử dụng nhiều nhất trong văn bàn?

Câu 3. Vì sao tác giả  nói: "khoảng trống chẳng phải  là vô nghĩa". Em có đồng ý với quan điểm đó không?

Câu 4. Em hiểu thế nào về câu: "Khoảng trống một chỗ ngồi trong lớp học cho em thương cảm về một giọt mực đã lặng lẽ rơi bên ngoài cửa lớp".
II. LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm)

        Những khoảng trống ý nghĩa trong em.
Câu 2 (5 điểm)
        Cảm nhận vẻ đẹp thi trung hữu hoạ trong đoạn thơ dưới đây: 

                                                                         Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

                                                                         Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

                                                                         Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi

                                                                         Mường Lát hoa về trong đêm hơi

                                                                         Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

                                                                         Heo hút cồn mây súng ngửi trời

                                                                         Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống

                                                                         Nhà ai Pha luông mưa xa khơi.
                                                                                                                      (Tây Tiến - Quang Dũng)

 

 

HƯỚNG DẪN GIẢI ĐỀ THI

Câu 1

  Phương pháp lập luận diễn dịch được tác giả sử dụng để làm nổi bật cho câu chủ đề được đặt ở đầu văn bản: “Hẳn em cũng biết thừa rằng, nhiều khi khoảng trống chẳng phải là vô nghĩa”.

Câu 2

  Phép liên kết chính của văn bản là phép lặp.

  Tác giả lặp lại từ  “khoảng trống”  14 lần để nhấn mạnh  cho đề  tài đang  bàn tới. Từ “khoảng trống” trở thành điểm nhấn, hiện đi hiện lại trước mắt cũng như tâm trí người đọc, cho chúng ta những cảm nhận rất đặc biệt về những điều có thể quen thuộc mà bình thường ta không để ý.

Câu 3

  Tác giả cho rằng “khoảng trống chẳng phải là vô nghĩa” bởi lẽ “khoảng trống cũng góp cho đời những giá trị” chỉ là chúng ta có đủ tính ý để nhận ra những giá trị ấy hay không mà thôi. Và tác giả đã lấy một loạt dẫn chứng,  giúp ta hiểu  rõ hơn  giá trị của những khoảng trống.

Câu 4

- Về hình thức: 5 - 7 dòng, diễn đạt mạch lạc.

- Về nội dung:

+ Nêu ý hiểu của bản thân.

+ Bàn luận ngắn gọn, thuyết phục làm rõ cho cách hiểu đó.

   Sau đây là một cách hiểu:

      “Khoảng trống một chỗ ngồi trong lớp học cho em thương cảm về một giọt mực đã lặng lẽ rơi bên ngoài cửa lớp”. Hình ảnh ẩn dụ “giọt mực đã lặng lẽ rơi bên ngoài cửa lớp” cho ta hai liên tưởng móc xích với nhau. Đó là hoàn cảnh của những học sinh đã phải dừng việc học tập sớm hơn các bạn, giọt mực thơm không còn vương trên trang vở, trong lớp học. Điều đó cũng khiến ta nghĩ đến những giọt nước mắt đã rơi lặng lẽ khi bạn đó phải xa lớp, xa trường, xa các bạn. Khoảng trống ấy khiến cho ta không khỏi xót xa, và cũng để lại cho ta những khoảng trống...

II. LÀM VĂN (7 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Yêu cầu chung về hình thức và kết cấu đoạn văn:

• Xác định đúng vấn đề nghị luận.

• Nêu được quan điểm cá nhân và bàn luận một cách thuyết phục, hợp lí.

• Đảm bảo bố cục: mở - thân - kết, độ dài 200 chữ.

• Lời văn mạch lạc, lôi cuốn, đàm bảo chính tả và quy tắc ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung:

Có nhiều hướng trình bày ý kiến, sau đây chỉ là một gợi ý:

Câu

Nội dung

Đoạn văn

Nêu vấn đề

+ Vấn đề

+ Giải thích

+ Với em, khoảng trống cũng có những ý nghĩa của riêng nó.

+ Khoảng trống ở đây không hẳn là chỉ không gian vật chất; đó cũng là khái niệm để chỉ sự không nối tiếp, không liên tục của thời  gian, của lời  nói, của  suy nghĩ, của cảm  xúc, là khoảng trống tinh thần,...

 

Luận bàn

Những khoảng trống  có ý nghĩa trong em.

Ví dụ:

+ Khoảng trống của  bên đường  cho em nhớ một  bóng cây quen thuộc.

+ Khoảng  trống   trên  màn  hình điện  thoại  khiến   em nhớ những tin nhắn ấm áp, thân quen của cô bạn.

+ Khoảng trống giữa những lời nói làm em cảm nhận được nỗi ngượng nghịu của cậu bạn đang ngỏ lời.

Phản biện

Khoảng trống ấy có thực sự là khoảng trống?  Vì sao nó có giá trị?

+ Khoảng trống không hẳn là khoảng trắng vô nghĩa, mà nó là sự khác biệt, sự thay đổi.

+ Khoảng trống ấy chứa đựng những điều  khác, nó có sức khơi gợi những suy nghĩ, những cảm xúc cho riêng em. Bởi vậy, với em, nó có ý nghĩa.

Giải pháp

+ Nhận thức

+ Hành động

+ Trân trọng những khoảng trống ý nghĩa.

+ Nếu làm được gì để vơi bớt nỗi buồn và tăng thêm niềm vui từ những khoảng trống, hãy thử!

Liện hệ

 Bài học cho bản thân

 Khoảng trống sẽ  không là sự trống rỗng, nếu  ta cảm nhận bằng cả con tim và khối óc.

Câu 2 (5 điểm)

Yêu cầu chung: 0.5 điểm

•Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kỹ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục rõ ràng, đầy đủ; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng phân tích, cảm thụ.

•Diễn đạt trôi chảy, đảm bảo tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

Yêu cầu nội dung: 4,5 điểm.

ĐỌC HIỂU YÊU CẦU ĐỀ

- Đối tượng chính, trọng tâm kiến thức: Tây Tiến

- Dạng bài: phân tích

-Yêu cầu: Học sinh làm sáng rõ về bút pháp thi trung hữu hoạ, phân tích nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ để làm bật lên nét thi trung hữu hoạ.

TIẾN TRÌNH LÀM BÀI

KIẾN THỨC

HỆ THỐNG Ý

PHÂN TÍCH CHI TIẾT

CHUNG

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5 điểm

Khái quát vài nét về tác giả - tác phẩm

- Quang Dũng nhà thơ của xứ Đoài mây trắng, nhà thơ của những vần thơ  lãng mạn,  bay bổng, đậm  nét hào hoa. Là gương mặt  tiêu biểu trong thơ ca kháng chiến chống Pháp.

- Tây Tiến vừa chỉ hướng hành quân, vừa là tên một đơn vị quân đội được thành lập đầu năm 1947. Tây Tiến có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ  biên giới Việt  - Lào, đồng thời đánh  tiêu hao lực lượng quân đội  Pháp ở Thượng  Lào cũng như ở miền  tây Bắc Bộ Việt Nam. Địa bàn đóng quân và hoạt động của đoàn quân khá rộng nhưng chủ yếu  là ở  biên giới Việt  - Lào. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên, học sinh, trí thức Hà Nội, chiến đấu trong những hoàn cảnh gian khổ thiếu thốn về vật chất, bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Tuy vậy, họ sống rất lạc  quan và chiến đấu rất dũng cảm. Quang Dũng là đại đội trưởng ở đơn vị Tây Tiến từ đầu năm 1947,
rồi chuyển sang đơn vị khác. Rời đơn vị cũ chưa bao lâu, tại Phù Lưu Chanh, Quang Dũng viết bài thơ Nhớ Tây Tiến. Khi in lại, tác giả đổi tên bài thơ là Tây Tiến.
- Tây Tiến là một  bài thơ xuất sắc,  có thể xem là một kiệt  tác của Quang Dũng, xuất hiện  ngay trong thời  gian đầu của cuộc  kháng chiến chống thực dân Pháp.

 

TRỌNG

Giải thích cụm từ thi trung hữu họa.

- Thơ là một hình thức sáng tác văn học nghiêng về thể hiện cảm xúc thông qua tổ chức ngôn từ đặc biệt, giàu nhạc tính, giàu hình ảnh và gợi cảm. Thi trung hữu họa: Trong thơ có hoạ (có tranh, có cảnh). Tức là nói đến đặc trưng của thơ trữ tình là giàu hình ảnh, giàu tính chất tạo hình, đọc thơ mà tưởng thấy cả khung cảnh hiện ra ở trước mắt.

TÂM

 

 

 

- Tính hoạ được tạo nên trong nỗi nhớ chơi vơi, nỗi nhớ chông chênh giữa hai bờ thực ảo:

                                                       Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi

                                                       Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi

+ Mở đầu bài thơ là lời gọi tha thiết, ngọt ngào. Tác giả gọi tên đơn vị Tây Tiến, gọi tên con sông vùng Tây Bắc: sông Mã mà thân thiết, dạt dào cảm tình như gọi tên những người thân thương trong cuộc đời mình. Phải chăng  trung đoàn  Tây Tiến,  núi rừng  Tây Bắc gần gũi, thân thương với  tác giả  và khi xa thì Tây Bắc,  Tây Tiến trở thành một “mảnh tâm hồn” của tác giả.

+ Nhớ chơi vơi gợi lên dài rộng về không gian, gợi lên cái xa cách về thời gian. Tất cả đã lùi về quá khứ. Quang Dũng cất lên tiếng gọi như sự níu kéo mọi ký ức quay trở lại. Và trong xúc cảm đó, bao kỷ niệm, bao hình ảnh đã hiện về.

- Tính hoạ được gợi lên qua những địa danh và thời tiết khắc nghiệt xứ sở miền Tây:

                                                      Sài khao sương lấp đoàn quân mỏi

                                                      Mường Lát hoa về trong đêm hơi

+ Sài Khao, Mường Lát là hai địa danh tiếp theo được nhắc đến. Những cái tên như có sức tạo hình, nó gợi những nơi chốn hoang sơ, thưa vắng, heo hút. Những cái tên như những địa chỉ in hằn dấu chân người lính. Và cũng chính nơi hoang vu đó, ký ức đập về màn sương lạnh trắng phủ kín lối đi, che lấp cả đoàn quân mỏi mệt. Sương bồng bềnh, giá buốt làm trơn ướt những con đường, làm tê lạnh da người.

- Một hình ảnh rất gợi là: “Mường Lát hoa về trong đêm hơi". Đêm hơi là đêm đẫm hơi sương, là đêm lạnh. Tiếp tục gợi sự khắc nghiệt của khí hậu. Nhưng từ hoa về, lại đem đến nhiều cách hiểu. Có thể hiểu hoa theo nghĩa thực, những bông hoa rừng nở, mùi hương quyện trong đêm hơi. Nhưng cũng có thể hiểu, khi chiến sĩ hành quân đêm, những bó đuốc họ mang, giống như những bông hoa lửa, phá đi giá lạnh và đêm tối.
- Tính hoạ được thể hiện đặc sắc qua hình ảnh những con dốc Tây Tiến:
                                                Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
                                                Heo hút cồn mây súng ngửi trời
                                                Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
                                                Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

+ Đất nước ta với đặc điểm địa hình 3/ 4 là núi đồi, nhưng qua những lời thơ đậm chất tạo hình của Quang Dũng, tưởng chừng như bao dãy đồi, ngọn núi đều đã “đổ bộ” hết lên vùng miền Tây này, phủ đặc trên những cung đường của binh đoàn Tây Tiến. Điệp từ dốc vừa gợi sự liên tiếp, chồng chất của những con dốc, dốc này chưa qua dốc khác đã phủ hiện trước mặt.
+ Hơn thế nữa những từ  láy đi  kèm còn gợi cả  cái khốc liệt của những con dốc. “Khúc khuỷu ", “thăm thẳm ”, “heo hút ” vẽ cho ta một hình dung về sự hoang sơ, kỳ vĩ, xa xôi, trúc trắc, mấp mô, hun hút rợn người.
+ Nhưng đặc biệt hơn, bằng thủ pháp đối lập, sự kinh hoàng hiểm trở của những con dốc nơi đây mới hiện lên đầy đủ : “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”. Đó  là một sự  gãy gập đột ngột, bất ngờ. Không hề thoai thoải dễ đi như những vùng miền khác, dốc nơi này dựng cao chót vót, nổi lên, vươn lên thẳng đứng chạm cả mây trời. Nhưng khi chạm đỉnh dốc rồi,  sa chân bước hụt  có thể rơi  ngay xuống chân dốc sâu thăm thẳm.
+ Nếu câu thơ “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” tới 5 thanh trắc trong 1 câu thơ đã tạo nên được những liên tưởng thật kỳ thú, rợn ngợp, kích thích, thì câu thơ: “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” lại lập lại thế cân bình, câu thơ được dệt bởi những thanh bằng liên tiếp, gợi tả sự êm dịu, tươi mát của tâm hồn những người lính trẻ, trong gian khổ vẫn lạc quan yêu đời. Nhịp thơ cũng chậm lại, âm điệu nhẹ nhàng như phút nghỉ chân hiếm hoi của người lính. Trong màn mưa rừng, tất cả nhạt nhòa, bao mệt nhọc cũng tan biến, chỉ còn lại cảnh bồng bềnh, thi vị.
-  Quang Dũng không chỉ được biết đến với tư cách là một nhà thơ, ông là một nghệ sĩ đa tài, có thể vẽ tranh và sáng tác nhạc. Cho nên, chính tài năng nhiều mặt đó đã bổ trợ tương hỗ nhau, để Quang Dũng dựng tạc nên những nét vẽ thật ấn tượng về thiên nhiên miền Tây.
    Có nhà phê bình đã từng cho rằng, những vần thơ viết về dốc Tây Tiến là những vần thơ tuyệt bút, có lẽ bởi tính hoạ đậm nét đã làm nên điểm sáng cho cả bài thơ, làm nên ấn tượng lâu bên trong lòng người đọc bao thế hệ.
 

Bài viết gợi ý: