Bài làm

Trong cuộc sống đang phát triển, mọi người chạy theo những xu hướng mới, những kiểu cách mới, những thú vui mới. Họ tiếp xúc với nhiều người và phát triển bản thân theo nhiều hướng khác nhau, có hướng tốt và cũng có hướng xấu. Họ tự hào hưởng thụ những thành quả của mình làm ra, nhưng có một sai lầm các thế hệ luôn gặp phải đó là không nhìn rõ chính mình, không biết mình là ai, mình có vị trí gì và mình phải sống như thế nào.

Câu chuyện con lừa rất ý nghĩa, nói về một con lừa hàng ngày chăm chỉ làm việc trong một ngôi chùa xay thóc, vất vả, khổ cực nên nó ước mơ có một ngày nó có thể đi ra ngoài tận hưởng bầu không khí trong lành. Rồi nó cũng được ra ngoài như mong ước bấy lâu của mình, vị tăng nhân cho nó xuống núi để thồ hàng. Món hàng được đặt ở trên lưng nó, đi đến đâu thấy lừa người ta cũng cúi đầu vái lạy, lúc đầu lừa rất sợ, nhưng sau đó lừa thấy tự tin và oai vệ bước đi trên con đường đó, tỏ vẻ oai vệ kiêu căng, thấy mình thật đáng quý. Về tới chùa nó không thèm làm bất cứ việc gì nữa, rồi được thả xuống núi, lòng nó vui sướng tung tăng chạy đến chỗ có người. Nó nghĩ mình tôn quý sao phải chịu cực khổ làm việc, nó phải được những thứ hơn thế. Cứ nghĩ đến trước mặt người khác sẽ được cung kính nhưng không ngờ nó bị đánh cho túi bụi, cố gắng lết xác về chùa, lòng nó oán giận con người vô cùng và chết. Nhưng nó không biết rằng người ta đâu có cúi lậy nó, mà người ta cúi lạy bức tượng phật nó cõng trên lưng.

Hình ảnh chú lừa trong câu chuyện chính là hình ảnh ẩn dụ cho những con người không nhìn rõ bản thân mình trong cuộc đời. Tự cao và sống ảo tưởng đề cao giá trị của mình lên. Như chú lừa kia cũng chỉ vì ảo tưởng nghĩ mọi người sùng bái mình nên mới tự cao như vậy, không tự suy xét bản thân xem đã làm được những gì, có gì để người ta phải tôn trọng đến như vậy.

Câu chuyện như một bài học trong cuộc sống là phải nhìn rõ chính mình, tự phân tích xem khả năng của bản thân, xem giá trị của mình trong cuộc sống này đến đâu, từ đó có cách ứng xử, cách sống và thái độ phù hợp. Chứ đừng mộng tưởng khi bản thân không làm được gì mà bắt người ta phải tôn thờ mình. Có thể có rất nhiều các yếu tố tác động đến suy nghĩ của chúng ta theo một hướng tích cực hay tiêu cực. Có thể, khi chúng ta đi học mặc một cái áo mới người ta đã khen mình đẹp, hãy soi mình trong gương mà tự nhận xét xem mình có đẹp hay không, chứ lúc đó đừng có tự tin quá mà ghét bỏ những người đưa cho bạn những lời nhận xét không hay. Để sống tốt và thoải mái thì ta cần nhìn rõ bản thân, luôn là chính mình, sống thẳng thắn trước những tác động bên ngoài. Có những người đến khi nhắm mắt rồi vẫn không hiểu mình là ai, mình sống để làm gì.

Điều bất hạnh lớn nhất trong đời người chính là cả một đời người mà không nhận thức được bản thân mình. Cả một đời sống oai phong, tự đắc nhưng không thấy hạnh phúc, không biết mình cần gì và không biết vị thế của mình như thế nào. Nhưng cũng đâu phải ai cả đời có thể sống là chính mình, có nhiều lúc bạn đánh mất cả bản thân, có những lúc nhận thức được bản thân còn khó hơn việc nhận thức được thế giới chung quanh. Mỗi ngày, chúng ta đều tự ngắm mình trong gương, nhưng liệu có ai đã từng hỏi bản thân mình đã tự nhận thức được chính mình hay chưa?.

Cuộc sống là một đường thẳng tuyến tính mà ở đó luôn có những câu hỏi được – mất, khen- chê, nhận thức hay không về mình trong cuộc đời. Nếu như bạn có tiền tài, điều người ta sùng bái chẳng qua là tiền tài của bạn, chứ đâu phải chính bản thân bạn. Nếu như bạn có danh vọng, điều người ta tôn kính chẳng qua là danh vọng của bạn chứ không phải chính bạn. Nếu như bạn có dung mạo đẹp đẽ, điều người ta mến mộ chẳng qua là dung mạo đẹp đẽ mà tạm thời bạn đang có chứ không phải con người bạn. Điều người khác tôn sùng bạn là những ước mơ và mong muốn bạn có được, chứ người ta thì không, đấy là sự ngưỡng mộ những thứ bên ngoài hào nhoáng chứ không phải giá trị con người bạn. Giá trị của một con người xuất phát từ nội tâm chứ không phải những thứ bề ngoài, lao tâm khổ sở vì nó thật là điều bất hạnh nhất trên đời. Vậy nên nhìn rõ, nhận thức rõ về chính bản thân mình là điều vô cùng quan trọng và cần thiết.

Trong cuộc sống, nhìn rõ bản thân mình rất quan trọng. Khi bạn đi xin việc bạn thấy năng lực của mình đến đâu, nhân cách của mình như thế nào để tìm một công việc hợp lí nhất. Chứ đừng trèo cao mà có ngày ngã đau. Hay như bạn yêu thích nấu ăn, nhưng bạn lại chọn kinh doanh, bạn đang chôn giấu ước mơ và hoài bão của mình, vì chạy theo những thứ quá xa vời. Nhận ra chính mình càng sớm càng tốt để bản thân có thể sửa đổi, có thể phát triển theo hướng đúng đắn, có thể rèn luyện được bản thân và có lối sống tích cực.

Học cách sống nhìn rõ chính mình trong cuộc đời để sống đúng, sống đẹp, sống ý nghĩa. Thật đáng buồn cho những con người sống không biết mình là ai, kiêu căng, tự phụ.

Câu chuyện rất hay và ý nghĩa, mỗi người hãy biết nhìn rõ chính mình, xem bản thân mình là ai, đừng sống quá tự tin vào bản thân. Hãy luôn sống thật đẹp, thật ý nghĩa, sống đúng đạo đức và chuẩn mực. Không chỉ bản thân mình sống ý nghĩa mà hãy giúp những người xung quanh sống thật ý nghĩa.

Bài viết gợi ý: