A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM
1. Tác giả
- Nguyễn Tuân (1910 - 1987) sinh ra trong một gia đình nhà nho khi Hán học đã tàn. Quê ông ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Từ nhỏ, ông theo gia đình sống ở nhiều tỉnh miền Trung. Cách mạng tháng Tám thành công, Nguyễn Tuân đến với cách mạng, tự nguyện dùng ngòi bút phục vụ hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Từ năm 1948 đến 1958, ông là Tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam.
- Nguyễn Tuân là nhà văn lớn, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp. Ông có một vị trí quan trọng và đóng góp phần không nhỏ đối với văn học Việt Nam hiện đại: thúc đẩy thể tùy bút, bút ký văn học đạt tới trình độ nghệ thuật cao; làm phong phú thêm ngôn ngữ văn học dân tộc; đem đến cho nền văn xuôi hiện đại một phong cách tài hoa và độc đáo. Năm 1996, Nguyễn Tuân được nhà nước tặng giải thưởng Hồ chí Minh về văn học nghệ thuật.
- Những tác phẩm chính của Nguyễn Tuân: một chuyến đi (1938), vang bóng một thời (1940), thiếu quê hương (1940), chiếc lư đồng mắt cua (1941), Đường vui (1949), Tình chiến dịch (1950), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi (1972),...
2. Tác phẩm
Truyện ngắn Chữ người tử tù lúc đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, in năm 1939 trên tạp chí Tao đàn và sau đó được tuyển in trong tâp truyện Vang bóng một thời và đổi tên thành Chữ người tử tù. Vang bóng một thời khi in lần đầu (1940) gồm 11 truyện ngắn, là tác phẩm kết tinh tài năng của Nguyễn Tuân trước cách mạng, được nhà phê bình Vũ Ngọc Phan nhận xét là "một văn phẩm đạt gần tới sự toàn thiện, toàn mĩ". Nhân vật chính trong vang bóng một thời phần lớn là những nho sĩ cuối mùa- những con người tài hoa, bất đắc chí. Gặp lúc Hán học suy vị, sống giữa buổi "Tây Tàu nhố nhăng ", những con người này mặc dù buông xuôi bất lực nhưng vẫn mâu thuẫn sâu sắc với xã hội đương thời. Họ không chịu được cảnh a dua theo thời, chạy theo danh lợi mà vẫn cố gắng giữ thiên lương và sự trong sạch của tâm hồn. Họ dường như cố lấy cái tôi tài hoa ngông nghênh của mình để đối lập với xã hội phàm tục; phô diễn lối sống đẹp, thanh cao của mình như một thái độ phản ứng trật tự xã hội đương thời. Trong số những con người tài hoa nổi bật ấy, nổi bật lên hình tượng ông Huấn Cao trong chữ người tử tù, một con người tài hoa, không chỉ có tài mà còn có cái tâm trong sáng; mặc dù chí lớn không thành nhưng tư thế vẫn hiên ngang.
B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
Câu 1 (trang 114 sgk ngữ văn 11 tập 1)
Tình huống truyện độc đáo:
- Hai nhân vật Huấn Cao và quản ngục, bình diện xã hội đối lập nhau. Một người là tử tù một người là quan quản ngục- đại diện cho trật tự xã hội. Ở họ có chung tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp nên họ trở thành tri kỉ, tri âm của nhau. Tạo dựng tình huống éo le khi để họ gặp nhau giữa chốn ngục tù, tối tăm nhơ bẩn, tác giả tạo nên cuộc kì ngộ đáng nhớ và kì lạ
- Tác dụng:
+ Làm nổi bật trọn vẹn vẻ đẹp về nhân cách, tài năng của Huấn Cao
+ Làm sáng tỏ tấm lòng “biệt nhỡn nhân tài” của quản ngục
+ Chủ đề tác phẩm từ đó cũng được thể hiện
Câu 2 (trang 114 sgk ngữ văn 11 tập 1)
Huấn Cao có vẻ đẹp thể hiện qua phẩm chất:
+ Con người tài hoa, ưu việt, đầy quyền năng (tài viết chữ “đẹp và vuông lắm”, tiếng tăm nổi khắp tỉnh Sơn, khiến quan ngục muốn xin chữ)
+ Khí phách hiên ngang, gan dạ của Huấn Cao (Vẫn giữ được sự hiên ngang, khảng khái ngay cả trong tù)
+ Người có “thiên lương” trong sáng và cao đẹp (thái độ trọng cái đẹp, chia sẻ lời gan ruột với quản ngục)
- Tác giả xây dựng hình tượng Huấn Cao với dụng ý nghệ thuật:
+ Bày tỏ quan niệm nghệ thuật về cái đẹp của tác giả
+ Cái tài phải đi đôi với cái tâm, cái đẹp và cái thiện không thể tách rời: quan niệm tiến bộ của tác giả
Câu 3 (trang 114 sgk ngữ văn 11 tập 1)
Phẩm chất của viên quản ngục:
+ Là người làm nghệ quan ngục nhưng lại có thú vui thanh cao, tao nhã – thú chơi chữ
+ Là người biết trân trọng những giá trị con người (hành động “biệt đãi” người tài như Huấn Cao)
+ Sở nguyện thanh cao muốn có chữ của Huấn Cao treo bất chấp nguy hiểm, thái độ hiên ngang bất khuất, coi thường cái chết và tiền bạc
+ Diễn biến nội tâm, hành động cách ứng xử của viên quản ngục cho thấy nhân cách đẹp, một “tấm lòng trong thiên hạ” tri kỉ, tri âm
+ “Một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ
⇒ Quản ngục người biết giữ “thiên lương” biết trân trọng giá trị, tài năng, người có tâm hồn nghệ sĩ, yêu cái đẹp
Câu 4 (trang 114 sgk ngữ văn 11 tập 1)
- Nguyễn Tuân dụng công miêu tả “cảnh tượng xưa nay chưa từng có” làm nổi bật vẻ đẹp trang trọng, uy nghi, bất tử hình tượng Huấn Cao
+ Việc cho chữ- hoạt động nghệ thuật thanh cao diễn ra trong căn buồng tối tăm, chật hẹp, ẩm ướt, hôi hám
+ Cái đẹp tỏa sáng, người nghệ sĩ tô từng nét chữ không phải người được tự do mà là kẻ tử tù
+ Hình tượng người tử tù uy nghi, cao đẹp >< quản ngục, thơ lại là kẻ tự do
+ Trật tự trong nhà tù bị đảo ngược: người tù ban phát cái đẹp, răn dạy quản ngục
⇒ Sự chiến thắng của thiện lương, của ánh sáng nghệ thuật chân chính. Tô đậm nhân cách thanh cao, ngang tàng của Huấn Cao
Câu 5 (trang 116 sgk ngữ văn 11 tập 1)
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: bằng bút pháp lý tưởng hóa
- Cảnh cho chữ trong tác phẩm có nghệ thuật tương phản làm nổi bật cái đẹp và cái xấu, cái thiện và cái ác, tính cách với hoàn cảnh
+ Thủ pháp đối lập cảnh tượng hiện lên đầy đủ vẻ uy nghi, rực rỡ của nó
- Ngôn ngữ: giàu chất tạo hình, biểu cảm, gợi được không khí thời đại (cổ kính, thiêng liêng…)
Luyện tập
Nhân vật Huấn Cao:
- Hình tượng nhân vật Huấn Cao có tính cuốn hút về nhân cách, tài năng, khí phách anh hùng ngang tàng, một con người mang nét đẹp của khí chất ngang tàng
- Con người sống hiên ngang, đầy tự trọng
+ Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ
+ Những người chọc trời quấy nước chỉ đếm trên đầu ngón tay
- Chí lớn không thành, coi thường cái chết, cường quyền
+ Chống lại triều đình, bị bắt giam nhưng không hề sợ cái chết
+ Có những suy nghĩ, hành vi thật phóng khoáng
- Khinh bỉ kẻ đại diện cho cường quyền
+ Khí phách hiên ngang giữa ngục tù
+ Khinh bỉ những kẻ cầm quyền thị oai, tàn nhẫn
- Là người yêu cái đẹp, tạo ra cái đẹp
+ Tài hoa khi viết thư pháp
+ Dành sự tài hoa cho người tri kỉ
- Hình ảnh cao đẹp, uy nghi của Huấn Cao khi cho chữ quản ngục
+ Viết chữ vốn thanh cao
+ Hình ảnh kì vĩ của người tù đeo gông, chân vướng xiềng xích tô đậm nét chữ >< hình ảnh co ro của thầy thơ lại, run run bưng chậu mực khúm núm, tay vái tạ
⇒ Hình tượng Huấn Cao phản ánh tư tưởng nghệ thuật của tác giả về cái đẹp: thiên lương cao cả tỏa sáng chính nơi bóng tối và cái ác ngự trị.