A.KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Tác giả:

  • Huy Cận (1919 -2005) tên khai sinh là Cù Huy Cận. Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc của phong trào thơ Mới.
  • Ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo gốc nông dân. Quê làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  • Cuộc đời và sự nghiệp:
    • Hồi nhỏ ông học ở quê sau đó rời vào Huế học, sau đó là ra hà Nội học tại trường Cao đẳng Canh nông.
    • Tác phẩm tiêu biểu: lửa thiêng, kinh cầu tự, vũ trụ ca,  trời mỗi ngày lại sáng, đất nở hoa, bài thơ cuộc đời.
    • Phong cách nghệ thuật:  Thơ thời kì trước Cách mạng tháng 8 mang một nỗi niềm u uất người ta gọi là nỗi sầu vạn kỉ, sau Cách mạng tháng 8 mang niềm vui hồ hởi hơn, ông cũng mang một tâm trạng chung với toàn dân tộc đó là niềm vui xây dựng chế độ mới, và đấu tranh vì hòa bình dân tộc.

2. Tác phẩm:

  • Tràng giang được viết vào mùa thu năm 1939 (in trong tập Lửa thiêng),
  • Hoàn cảnh sáng tác: lấy cảm xúc chủ yếu từ cảnh sông Hồng mênh mang sóng nước. 
  • Giá trị tác phẩm:
    • Tràng giang là một bài thơ mới mang vẻ đẹp cổ điển, qua tác phẩm Huy Cận bộc lộ nỗi buồn của cái tôi cô đơn trước vũ trụ rộng lớn, nỗi sầu nhân thế, niềm khao khát hòa nhập với cuộc đời và tình cảm tha thiết đối với quê hương, đất nước mà thầm kín.
    • Bài thơ vừa mang âm hưởng đường thi vừa toát lên vẻ hiện đại, là một bài thơ tiêu biểu cho phong trào thơ Mới.
  • "Tràng giang" là một bài ca về tình yêu quê hương, đất nước nó dọn đường cho các tác phẩm sau này của Huy Cận như "đất nở hoa" hay "những bài thơ cuộc đời".

B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: Trang 30 sgk ngữ văn 11 tập 2

Anh (chị) hiểu thế nào về câu thơ đề từ Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài? Đề từ đó có mối liên hệ gì với bức tranh thiên nhiên và tâm trạng của tác giả trong bài thơ?

Bài làm:

  • Qua câu thơ đề từ "Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài": Hai chữ "bâng khuâng" thể hiện được nỗi niềm của nhà thơ là cảm giác buồn sầu trước dòng sông rộng lớn. "Trời rộng" được nhân hóa nhớ sông dài hay chính là ẩn dụ cho nỗi nhớ của nhà thơ. Qua câu thơ đề từ cảm nhận được nỗi bâng khuâng, xao xuyến của tác giả trước sự mênh mông của con sông, đồng thời cảm nhận được nỗi nhớ da diết của tác giả.
  • Mối lên hệ với bức tranh thiên nhiên và tâm trạng nhà thơ trong bài: câu thơ định hướng cảm xúc chủ đạo của bài thơ nỗi buồn sầu lan tỏa, nhẹ nhàng mà sâu lắng trước cảnh trời rộng sông dài ( tràng giang), đồng thời tạo nên vẻ đẹp hài hòa, vừa cổ điển (của sông nước mây trời) vừa hiện đại ( của nỗi buồn nhớ bâng khuâng) của chàng thanh niên thời thơ mới.

Câu 2: Trang 30 sgk ngữ văn 11 tập 2

Nêu cảm nghĩ về âm điệu chung của toàn bài thơ.

Bài làm:

  • Âm điệu chung của bài thơ là âm điệu buồn lặng lẽ, bâng khuâng, man mác da diết, sầu lặng. Nổi bật trong suốt bài thơ là âm điệu buồn – đều đềudập dềnh như sông nước ở trên sông, vừa lai âm điệu trong lòng thi nhân khi đứng trước cảnh Tràng Giang lúc chiều xuống.
  • Chủ yếu là nhịp thơ 2/2/3 tạo ra âm điệu đều đều. Âm điệu tựa như dập dềnh trên sông và sóng  biển. Thanh điệu có sự hoán vị bằng trắc đều đặn, cấu trúc đăng đối giữa các câu thơ (buồn điệp điệp - nước song song; thuyền về - nước lại, nắng xuống - chiều lên) tạo ra cảm giác mênh mông của dòng sông,cùng với đó là vị buồn man mác của hồn thơ Huy Cận.

Câu 3: Trang 30 sgk ngữ văn 11 tập 2

Vì sao nói bức tranh thiên nhiên trong bài thơ đậm màu sắc cổ điển mà vẫn gần gũi, thân thuộc?

Bài làm:

  •  Bức tranh thiên nhiên
    • Không gian : mênh mông, bao la, rộng lớn. Thể hiện qua các từ ngữ "trời rộng", "sông dài".
    • Cảnh vật hiu quạnh, hoang vắng, đơn lẻ, hiu hắt buồn.
    • Hình ảnh mang đậm sắc màu cổ điển sóng, con thuyền, cồn cỏ đìu hiu, bến cô liêu, mây đùn núi bạc, cánh chim nghiêng. Đây là những thi liệu quen thuộc trong thơ ca cổ điển, những hình ảnh ấy gợi lên một sự vắng vẻ, lặng lẽ buồn.
    • Tuy nhiên, bức tranh Tràng Giang vẫn gần gũi, thân thuộc vì:  cành củi khô, tiếng làng xa vãn chợ chiềuHình ảnh, âm thanh giản dị, gần gũi, thanh đạm của cuộc sống, con người Việt Nam.
  • Sự đối lập giữa bao la, mênh mông của đất trời với vạn vật nhỏ nhoi tạo nên cảm giác con người lạc lõng, cô đơn nên bài thơ mang đậm màu sắc cổ điển. Tuy nhiên nó cũng mang màu sắc hiện đại vì thiên nhiên trong bài thơ là những hình ảnh gần gũi và thân thuộc với con người Việt Nam. Đây cũng chính là yếu tố tạo nên điểm đặc biệt của bài thơ, khiến nó trở thành một bài thơ tiêu biểu trong phong trào thơ Mới.

Câu 4: Trang 30 sgk ngữ văn 11 tập 2

Tình yêu thiên nhiên ở đây có thấm đượm lòng yêu nước thầm kín không? Vì sao?

Bài làm:

Tình yêu thiên nhiên ở đây có thấm đượm lòng yêu nước thầm kín, bởi vì:

" Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,                 

Chim nghiêng cánh nhỏ: bóng chiều sa.

Lòng quê dợn dợn vời con nước,         

Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà."

  • Những hình ảnh ước lệ, cổ điển như: mây, chim tạo nên một bức tranh chiều tà đẹp, hùng vĩ và vô cùng thơ mộng. Bóng chiều vốn vô hình nhưng ở đây lại được miêu tả như hữu hình. Chỉ bằng hai câu thơ đầu nhà thơ đã mang đến cho người đọc những cảm giác thân thuộc, gần gũi để rồi từ những cảnh quê ấy mà nói đến tình yêu và nỗi nhớ quê trong hai câu thơ sau.
  • Tâm trạng của tác giả "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà", Huy Cận không cần đến thiên nhiên, tạo vật mà nó tìm ẩn và bộc phát tự nhiên chính vì thế nên nỗi nhớ quê càng da diết, sâu sắc hơn. Và cứ như thế nỗi buồn sâu lắng, nỗi nhớ quê da diết cứ chầm chậm chảy trên bề mặt khổ thơ cuối.

Câu 5: Trang 30 sgk ngữ văn 11 tập 2

Phân tích những đặc sắc nghệ thuật của bài thơ.

Bài làm:

Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ:

  • Kết hợp hài hòa những thi liệu mang nét cổ điển của văn học cổ điện với văn học hiện đại.
  • Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.
  • Cách ngắt nhịp 2/2/3 tạo nên những âm điệu buồn, man mác thể  hiện rõ nét tâm trạng bâng khuâng của nhà thơ.
  • Thể thơ thất ngôn: tạo nên không khí trầm mặc, cổ kính của thơ đường.

LUYỆN TẬP

Câu 1: Trang 30 sgk ngữ văn 11 tập 2

Cách cảm nhận không gian và thời gian của bài thơ có gì đáng chú ý?

Bài làm:

  • Cảm nhận không gian:
    • Mang cảm hứng vũ trụ (qua câu đề từ) mang cảm giác bao la, rộng lớn.
    • Không gian ba chiều xuất hiện trong thơ (khổ 2)
    • Không gian buồn, hiu hắt, con sông không bóng người (Khổ 3)
    • Không gian vừa hùng vĩ, vừa cô đơn (khổ cuối)
  • Cảm nhận thời gian: Thời gian ở đây là buổi chiều tà, cảm nhận thời gian vừa cụ thể, vừa gợi cảm lại thể hiện đúng tâm trạng buồn hiu hắt tác giả.

Câu 2: Trang 30 sgk ngữ văn 11 tập 2

Vì sao câu thơ cuối "Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà" lại làm cho người đọc liên tưởng đến hai câu thơ trong bài "Lầu Hoàng Hạc" của Thôi Hiệu?

Bài làm:

  • Câu thơ trong bài "Lầu Hoàng Hạc" của Thôi Hiệu như sau:

"Quê hương khuất bóng hoàng hôn    

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai"

  • Qua câu thơ này ta có thể thấy, rõ ràng Huy Cận có mượn ý thơ của Thôi Hiệu, tuy nhiên trong thơ Thôi Hiệu phải có khói và sóng là những hình ảnh thiên nhiên thì mới gợi lên nỗi nhớ nhà. Trong khi đó, trong thơ Xuân Diệu những hình ảnh thiên nhiên đó luôn thường trực và tự nhiên bộc phát cho nên nỗi nhớ của Huy Cận da diết và sâu lắng hơn.