A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

I. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bình luận

  • Bình luận nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với những nhận xét, đánh giá, bàn luận của bản thân về một hiện tượng (vấn đề) trong đời sống hoặc trong văn học. Ví dụ như: bình luận thể thao, bình luận quân sự, bình luận tình hình thời sự,...
  • Trong đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ có đưa ra những nhận định, đánh giá đúng - sai, hay - dở, đồng thời cũng có bàn bạc mở rộng. Tất cả những lập luận này đều nhằm hướng tới khẳng định vai trò quan trọng của việc cần phải xây dựng một hệ thống luật phép cho quốc gia.
  • Nguyễn Trường Tộ có lý do để đề nghị lập khoa luật bởi trên thực tế, ai nấy đều đã thống nhất rõ ràng muốn trị nước thì phải dựa vào luật chứ không phải vào những lời nói suông trên giấy về trung hiếu hay lễ nghĩa và rằng luật pháp là công bằng và cũng là đạo đức.
  •  Đoạn trích Xin lập khoa luật của Nguyễn Trường Tộ là một đoạn lập luận bình luận vì nó thể hiện rõ tính chất đề xuất vấn đề đồng thời các lập luận cũng là để hướng vào thuyết phục người đọc tán đồng với những nhận xét, đánh giá, đề xuất của tác giả.

II. Cách bình luận

  • Có nhiều cách bình luận, nhưng phải tuân thủ theo ba bước sau: 
    • Bước 1: Nêu hiện tượng (vấn đề) cần bình luận
    • Bước 2: Đánh giá hiện tượng (vấn đề) cần bình luận
    • Bước 3: Bàn về hiện tượng (vấn đề) cần bình luận
  • Chú ý: 
    • Trình bày rõ ràng, trung thực hiện tượng (vấn đề) được bình luận.
    • Đề xuất và chứng tỏ được ý kiến, nhận định, đánh giá của mình là xác đáng.
    • Có những lời bàn sâu rộng về chủ đề bình luận.

B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: Trang 73 sgk ngữ văn 11 tập 2

Có người cho rằng bình luận chẳng qua chỉ là sự kết hợp của hai kiểu lập luận giải thích và chứng minh. Nhận xét ấy đúng hay không đúng? Vì sao?

Bài làm:

Nhận xét bình luận chẳng qua là sự kết hợp của hai kiểu lập luận là giải thích và chứng minh là sai, bởi vì: 

    • Bản chất của bình luận là mọi người cùng tranh luận về vấn đề mọi người cùng tìm hiểu và đã hiểu rõ về nó.
    • Mục đích của các kiểu lập luận này đều khác nhau:
      • Thuyết minh: là trình bày những tri thức về đặc điểm, cấu tạo,.. của một sự vật hiện tượng nào đó. 
      • Giải thích: làm cho người nghe (người đọc) hiểu rõ hơn về vấn đề.
      • Bình luận: nhằm thuyết phục người nghe (người đọc) tán đồng với ý kiến của mình.

Câu 2: Trang 73 sgk ngữ văn 11 tập 2

Trong đoạn trích dưới đây có sử dụng thao tác lập luận bình luận không? Căn cứ vào đâu để anh (chị) có thể kết luận là có (hoặc không)?

Bài làm:

  • Trong đoạn trích dưới  sử dụng thao tác lập luận bình luận.
  • Bởi vì đoạn trích đã tuân thủ đầy đủ các bước bình luận:
    • Trong đoạn trích này, tác giả đã trình bày được chủ đề (quan điểm) của tác giả về vấn đề giao thông và tai nạn giao thông. 
    • Trong đoạn trích, cũng nêu lên rõ ràng về hiện tượng được bình luận (hiện trạng vi phạm giao thông của các nam thanh niên và tai nạn giao thông ngày một gia tăng trong đó hầu hết là tai nạn xe máy)
    • Có những số liệu thống kê xác thực, lập luận xác đáng.
    • Cuối cùng nêu lên đề xuất của tác giả: "một chương trình truyền thông hiệu quả hơn để những lưới hái tử thần không còn nghênh ngang trên đường phố.

Câu 3: Trang 74 sgk ngữ văn 11 tập 2

Sau khi đọc và suy nghĩ kĩ về đoạn trích Xin lập khoa luật, anh (chị) thấy mình có thể bình luận gì thêm về vai trò của pháp luật và của việc giáo dục pháp luật trong xã hội?

Bài làm:

Sau khi đọc và suy nghĩ kĩ về đoạn trích Xin lập khoa luật, có thể bình luận gì thêm về vai trò của pháp luật và của việc giáo dục pháp luật trong xã hội như sau:

  • Thứ nhất, hiểu biết và tôn trọng pháp luật chính là đạo đức. Bởi lẽ, trong xa hội, ta hiểu được pháp luật tức là ta đã hiểu được sự vận hành, thể chế và chính sách của một nhà nước. Còn tôn trọng pháp luật tức là ta tôn trọng nhà nước, tôn trong người đứng đầu và tôn trọng chính chúng ta. Sự tôn trọn luật pháp chính là cơ sở để hình thành nên đạo đức của con người.
  • Thứ hai, giáo dục pháp luật cho học sinh nói riêng và mọi công dân là nhiệm vụ quan trọng. Mỗi công dân là một tế bào của xã hội. Nếu tế bào khỏe mạnh, cơ thể mới khỏe mạnh và phát triển được. Cũng giống như thế, nếu con người đều hiểu và tôn trọng pháp luật tức là bản thân họ đã là những người có đạo đức. Một xã hội có đạo đức là một xã hội văn minh.