A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

1. Các phương tiện diễn đạt

  • Về từ ngữ: văn bản chính luận sử dụng ngôn ngữ thông thường nhưng có khá nhiều từ ngữ chính trị: độc lập đồng bào, tự do, quyền lợi,...
  • Về ngữ pháp: câu văn thường là câu có kết cấu chuẩn mực, gần với những phán đoán lôgíc trong một hệ thống lập luận, diễn đạt trong một mạch suy luận.
  • Về biện pháp tu từ: Ngôn ngữ không phải lúc nào cũng mang tính công thức, ước lệ, khô khan. Ngược lại, nó có thể rất sinh động do sử dụng nhiều các biện pháp tu từ.

2. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ chính luận

  • Tính công khai về quan điểm chính trị
  • Tính chặt chẽ trong diễn đạt và suy luận
  • Tính truyền cảm, thuyết phục

B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Bài tập 1: Trang 108 sgk ngữ văn 11 tập 2

Chỉ ra biện pháp tu từ trong đoạn văn chính luận sau: "Ai có súng dùng súng... cứu nước".

Bài làm:

  • Trong đoạn văn "Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước". Có sử dụng các biện pháp tu từ sau: 
    • Biện pháp điệp ngữ: Ai có... dùng ....
    • Biệp pháp liệt kê: súng, gươm, cuốc, thuồng, gậy gộc (Cách liệt kê giáng bậc, từ lớn đến nhỏ, từ vũ khí đến dụng cụ thô sơ).
  • Sử dụng các câu ngắn, ngắt đoạn phối hợp với các phép tu từ trên tạo cho đoạn văn có giọng điệu dứt khoát và mạnh mẽ.

Bài tập 2: Trang 108 sgk ngữ văn 11 tập 2

Viết một đề cương bài nói để chứng minh cho câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không...công học tập của các em".

Bài làm:

 Đề cương bài nói để chứng minh cho câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không...công học tập của các em". Các em có thể tham khảo đề cương sau:

  • Luận điểm: Thế hệ nhi đồng, thanh niên,... là mầm non, là thế hệ những người chủ tương lai của đất nước. Thanh niên có sức khỏe, có ý chí, có khát khao dấn thân và cống hiến, có sáng tạo. Đó là những phẩm chất làm nên sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
  • Luận cứ: 
    • Thế hệ trẻ được thụ hưởng một nền giáo dục tiên tiến
    • Thế hệ trẻ được tiếp cận với khoa học - kĩ thuật hiện đại
    • Thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống cần cù, ham học hỏi của cha ông.
  • Luận chứng:
    • Thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mĩ
    • Thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Bài tập 3: Trang 108 sgk ngữ văn 11 tập 2

Viết một đoạn văn chứng minh nhận định sau: Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những người thân, yêu nơi chôn nhau cắt rốn với những kỉ niệm tuổi thơ không bao giờ quên.

Bài làm:

Lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu những người thân, yêu nơi chôn nhau cắt rốn với những kỉ niệm tuổi thơ không bao giờ quên. Thật vật, tình yêu nước ở mỗi người bắt đầu từ những tình cảm nhỏ bé nhất. Trước hết, đó là tình yêu với những người thân yêu, ruột thịt (ông bà, cha mẹ, anh chị, ...) rồi sau đó mới là tình yêu đối với làng quê, những con phố nhỏ, nơi chôn rau cắt rốn. Điều ấy có nghĩa tình cảm "nhỏ bé" đó phát triển đến độ sâu sắc, thiết tha trở thành một thứ tình cảm tình thiêng liêng, luôn thường trực trong mỗi con người. Yêu nước đồng nghĩa với việc phải gắn với ý thức về nghĩa vụ bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Đó là cơ sở tạo nên tình cảm lớn: Lòng yêu nước. Là một học ngồi trên ghế nhà trường, mỗi chúng ta cần cố gắng học tập và rèn luyện tốt để có thể góp phần xây dựng đất nước