A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

I. Mục đích, yêu cầu của thao tác lập luận bác bỏ

  • Lập luận bác bỏ: là cách thức đưa ra những lí lẽ, dẫn chứng khoa học của mình để phủ nhận ý kiến, quan điểm thiếu chính xác của người khác. Từ đó, nêu ý kiến đúng của mình để thuyết phục người nghe.
  • Mục đích: Dùng những lí lẽ, dẫn chứng đúng đắn, khoa học để chỉ rõ những sai lầm, thiếu khoa học của một ý kiến, quan điểm nào đó; đồng thời bày tỏ và bênh vực ý kiến đúng đắn.
  • Tác dụng: là thao tác quan trọng giúp cho bài nghị luận thêm sâu sắc và giàu tính thuyết phục; là thao tác rất cần thiết trong cuộc sống.
  • Yêu cầu: tỏ thái độ khách quan, có chừng mực; phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng tranh luận.

II. Cách bác bỏ

Có thể bác bỏ một luận điểm, luận cứ hoặc cách lập luận bằng cách nêu tác hại, chỉ ra nguyên nhân hoặc phân tích những khía cạnh sai lệch, thiếu chính xác,… của luận điểm, luận cứ, lập luận ấy.

B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: Trang 26 sgk ngữ văn 11 tập 2

Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi.

Bài làm:

  •   Chỉ ra ý kiến, quan điểm mà Nguyễn Dữ và Nguyễn Đình Thi đã bác bỏ ở hai đoạn trích trên:
    • Nguyễn Dữ bác bỏ ý kiến sai "Cứng quá thì gãy".
    • Nguyễn Đình Thi bác bỏ những ý kiến thiếu chính xác khi định nghĩa về thơ.
  • Cách bác bỏ và giọng văn của hai tác giả có nét khác nhau:
    • Tác giả Nguyễn Dữ dùng lí lẽ và dẫn chứng để trực tiếp bác bỏ ý kiến sai lầm. Cách lập luận bác bỏ của đoạn văn.
      • Nêu ý kiến sai lầm: "Cứng quá thì gãy".
      • Dùng lí lẽ để bác bỏ "Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được ... chịu đổi cứng ra mền".
      • Dùng dẫn chứng để bác bỏ: "Ngô Tử Văn ... thật là xứng đáng".
    • Nguyễn Đình Thi bác bỏ luận điểm: thơ là những lời đẹp; thơ là những đề tài đẹp. Bác bỏ bằng cách đưa ra những bằng chứng thực tế: có những bài thơ lời không đẹp như thơ Hồ Xuân Hương, một số câu thơ của Nguyễn Du; có những bài thơ đề tài không đẹp như đề tài trong Bô-đơ-le, đề tài trong thơ kháng chiến.

Câu 2: Trang 27 sgk ngữ văn 11 tập 2

Trong lớp có bạn cho rằng: Không kết bạn với những người học yếu. Anh (chị) hãy bác bỏ quan niệm đó.

Bài làm:

  • Khẳng định đây là một quan điểm sai.
  • Phân tích : học yếu không phải là thói xấu mà chỉ là một nhược điểm chủ quan do điều kiện khách quan chi phối ( sức khỏe, khả năng..)
  • Chỉ ra nguyên nhân và tác hại của quan điểm trên.
  • Dùng lí lẽ và dẫn chứng để bác bỏ (quan niệm như vậy là ích kỉ, đố kị, phân biệt; hậu quả: không nâng đỡ bạn, trái lại còn đẩy bạn vào sự tự ti, mặc cảm, bế tắc; trong lớp sẽ có sự chia rẽ, ngăn cách, ...)
  • Nêu quan niệm đúng của mình (nên mở rộng tấm lòng, giúp đỡ, chia sẻ với bạn học yếu để bạn tiến bộ như vậy tập thể lớp mới đoàn kết).