A. KIẾN THỨC TRỌNG TÂM

I. Nội dung 

Bài này, chỉ nói về văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945 và văn học nước ngoài. 

Về mặt xã hội, cần chú ý, sau gần nửa thề kỷ tiến hành chiến tranh xâm lược, đến đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cơ bản bình định xong Việt Nam, ra sức củng cố bộ máy chính quyền. Từ chỗ hoạt động quân sự là chính chúng chuyển mạnh sang hoạt động kinh tế. Chúng liên tiếp tiến hành những cuộc khai thác thuộc địa với quy mô lớn, biến nước ta từ một nước phong kiến thành nước thực dân nửa phong kiến. 

Về mặt văn hóa, cần lưu ý từ đầu thế kỷ XX, văn hóa nước ta dần dần thoát khỏi văn hóa Trung Hoa. Quan hệ giao lưu văn hóa từ chỗ chỉ giới hạn ở khu vực văn hóa Châu Á mà chủ yếu là văn hóa cổ, trung đại Trung Hoa, lúc này đã mở ra tiếp xúc với văn hóa phương Tây hiện đại, trước hết là văn hóa Pháp.

Những tác phẩm văn học hiện đại trong chương trình 11 tập 1 gồm: Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân, Chí Phèo của Nam Cao, Vi hành của Nguyễn Aí Quốc, Tinh thần thể dục của Nguyễn Công Hoan.

Tiểu thuyết, sách giáo khoa đã trích ở một số đoạn trích trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, Cha con  nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh. Tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng mang đặc điểm của tiểu thuyết văn học ở giai đoạn giao thời, còn tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một tiểu thuyết trào phúng dùng hình thức giễu nhại để lật tẩy sự giả dối, bịp bợm của xã hội trưởng giả những năm trước Cách mạng.

Ngoài truyện ngắn và tiểu thuyết, sách giáo khoa 11 còn trích tuyền hồi V của vở kịch Vũ Như Tô. Phần văn học nước ngoài có đoạn trích vở kịch Rô -mê -ô và Giu -li et của Sếch -xpia - Nhà viết kịch thiên tài của nước Anh. 

II. Phương pháp ôn tập

Học sinh có thể ôn tập dưới các hình thức: Ôn tập tại lớp, Thuyết trình, thảo luận tại lớp, viết báo cáo.

B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI

Câu 1: trang 204 sgk Ngữ Văn 11 tập một

Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 có sự phân hóa phức tạp thành nhiều bộ phận, nhiều xu hướng như thê nào? Nêu những nét chính của mỗi bộ phận, mỗi xu hướng đó.

Hãy làm rõ nguồn gốc sâu xa của tốc độ phát triển hết sức nhanh chóng của văn học thời kì đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945

Bài làm:

  • Văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945 hình thành hai bộ phận (văn học công khai và văn học không công khai) và phân hóa thành nhiều xu hướng khác nhau (văn học lãng mạn, văn học hiện thực và dòng văn học cách mạng) vừa đấu tranh với nhau, vừa bổ sung cho nhau để cùng phát triển.
    • Bộ phận văn học công khai: văn học hợp pháp, tồn tại trong vòng pháp luật của chính quyền thực dân phong kiến. Do khác nhau về quan điểm nghệ thuật và quan niệm thẩm mĩ nên bộ phận này phân thành nhiều xu hướng mà nổi bật nhất là hai xu hướng văn học lãng mạn và văn học hiện thực.
    • Bộ phận văn học không công khai: bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, phải lưu hành bí mật.
    • Văn học lãng mạn là tiếng nói của cá nhân, khẳng định cái tôi, lạc lõng với thời cuộc mà tìm về với những cái đẹp của quá khứ, của tình yêu. Văn học lãng mạn là sự thức tỉnh cái tôi cá nhân, có ý thức chống lại những lễ giáo phong kiến hà khắc, lạc hậu, cổ hủ khiến cho người đọc thêm tin yêu cuộc sống, yêu và gắn bó với quê hương đất nước.
    • Văn học hiện thực: phản ánh hiện thực của xã hội thuộc địa nửa phong kiến thối nát, xấy xa, bất công với sự bóc lột đến tận cùng của giai cấp thống trị; khắc họa thành công và ám ảnh số phận, tình cảnh khốn khổ của những người dân lao động nghèo khổ, tầng lớp tiểu tư sản trí thức nghèo...Các tác phẩm thuộc dòng văn học này đều mang giá trị nhân đạo sâu sắc.
  • Văn học thời kì này phát triển với tốc độ hết sức nhanh chóng, phi thường và mau lẹ vì:
    • Sự thức tỉnh và trỗi dậy mạnh mẽ của cái tôi và ý thức về cái tôi các nhân. Các tác giả của tất cả các dòng văn học thời kì này được tiếp xúc với luồng tư tưởng mới, nhận thức của họ cũng được mở rộng hơn với quyền sống, quyền tự do, nhân quyền của con người trong nền văn hóa phương Tây.
    • Đặc điểm của xã hội thực dân nửa phong kiến ở nước ta hiện tại với rất nhiều vấn đề của cuộc sống trước nay chưa từng xuất hiện và tồn tại được đặt ra đòi hỏi văn học phải giải quyết: cuộc sống bế tắc, tuyệt vọng của tầng lớp tiểu tư sản trí thức; sự tha hóa, biến chất của người nông dân; sưu thuế nặng đè oặt lên đôi vai của nhân dân,...
    • Nhân dân cả nước đang trong cuộc đối đầu cam go, gay gắt với kẻ thù với những cuộc đấu tranh và phong trào nổi dậy nổ ra liên tiếp như vũ bão. Chính điều ấy đã trở thành hiện thực phản ánh và nguồn cảm hứng dồi dào cho bộ phận văn học không công khai (văn học cách mạng)

Câu 2: trang 204 sgk Ngữ Văn 11 tập một

Tiểu thuyết hiện đại khác với tiểu thuyết trung đại như thế nào? Những yếu tố nào của tiểu thuyết trung đại tồn tại trong tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh?

Bài làm:

Sự khác biệt giữa tiểu thuyết trung đại và tiểu thuyết hiện đại:

  • Tiểu thuyết trung đại
    • Sử dụng cả chữ Hán và chữ Nôm, chủ yếu là chữ Hán vì chữ Hán được xem là chữ quốc ngữ thời trung đại, mãi đến cuối thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX với truyện Kiều của Nguyễn Du, chữ Nôm mới khẳng định được vị trí của mình.
    • Các tiểu thuyết trung đại chú ý tới chi tiết, sự việc. Có nhiều tác phẩm, tác giả chỉ cần sử dụng một hành động cũng có thể nêu được bản chất và khắc sâu trong trí nhớ của người đọc về nhân vật ấy. Ví dụ như tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái tác giả chỉ sử dụng một chi tiết Nguyễn Thị Huệ đập vỡ viên ngọc quý mà Chúa lúc nào cũng đeo bên mình để hả giận đã cho người đọc thấy được đó là con người ỷ được chúa yêu chiều mà lộng hành, kiêu kì. Còn chúa Trịnh Sâm là một kẻ háo sắc, nhu nhược. Hay chi tiết về Đặng Mậu Lân - em trai của Huệ, quây màn hãm hiếp con gái nhà lành giữa kinh đô đông đúc đã cho khắc họa được chân dung của một kẻ ngỗ ngược, ỷ thế chị làm điều xằng bậy, càn rỡ, không coi ai ra gì.
    • Cốt truyện của tiểu thuyết trung đại đơn giản, đơn tuyến. Truyện phát triển theo trình tự thời gian, sự kiện nào có trước được kể trước, sự việc nào có sau kể sau. Gần như không có sự đảo lộn thời gian và sự việc trong tác phẩm. 
    • Vì chú trọng vào chi tiết, sự việc nên tâm lí và dòng tâm trạng, cảm xúc của nhân vật chỉ là sơ lược. 
    • Các truyện thường được kể theo ngôi thứ 3, tức người kể chuyện là người có mặt ở khắp mọi nơi trong câu chuyện và như chứng kiến toàn bộ câu chuyện ấy
    • Truyện được kết cấu theo lối chương hồi
  • Tiểu thuyết hiện đại
    • Được viết bằng chữ quốc ngữ - chữ của dân tộc 
    • Các tác phẩm đặc biệt chú ý tới việc khai thác thế giới bên trong của nhân vật: tâm trạng, cảm xúc, sự biến đổi tinh vi trong nhận thức của con người. Điều này cũng làm nên đặc sắc của tiểu thuyết hiện đại: con người được nhìn nhận trong cái nhìn đa diện, nhiều chiều, trong cuộc đấu tranh với chính mình để hoàn thiện bản thân.
    • Truyện có thể được kể theo trình tự thời gian tuyến tính hoặc có thể bị đảo lộn thời gian (kể về hiện tại trước rồi mới quay lại kể về quá khứ), theo sự phát triển của tâm lí nhân vật.
    • Nhân vật được xây dựng là con người phức tạp, đa dạng trong suy nghĩ, cảm xúc, cái xấu và cái ác luôn tồn tại cùng với cái tốt, cái lương thiện buộc con người phải đấu tranh với nó.
    • Ngôi kể trong truyện đa dạng: ngôi thứ ba, ngôi thứ nhất hoặc kết hợp nhiều ngôi kể trong cùng một tác phẩm
    • Truyện được kết cấu theo lối chương, đoạn

Những yếu tố của tiểu thuyết trung đại tồn tại trong tiểu thuyết Cha con nghĩa nặng của Hồ Biểu Chánh

  •  Có khai thác tâm lí nhân vật Trần Văn Sửu xong việc đi sâu khai thác sự phức tạp trong cảm xúc, biến đổi trong suy nghĩ, cuộc đấu tranh nội tâm của nhân vật vẫn còn sơ sài, đơn giản
  • Truyện được kể theo ngôi thứ 3, những lời bình luận xen vào còn đơn giản, vụng về, không sắc sảo
  • Truyện được kể theo trình tự thời gian tuyến tính, không có nhiều đổi mới trong trình tự thời gian của sự việc.

Câu 3: trang 204 sgk Ngữ Văn 11 tập một

Phân tích tình huống trong các truyện ngắn Vi hành (Nguyễn Ái Quốc), Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Chí Phèo (Nam Cao)

Bài làm:

  • Tình huống truyện là sự kiện diễn ra trong khoảnh khắc, là hoàn cảnh bất thường mà con người buộc lòng phải đối mặt để bộc lộ được tính cách, phẩm chất và bản lĩnh của mình. Tình huống truyện trong các tác phẩm được xem như là một lát cắt của cuộc sống, gắn liền với cốt truyện và chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
  • Tình huống truyện trong các truyện ngắn Vi hành (Nguyễn Ái Quốc), Tinh thần thể dục (Nguyễn Công Hoan), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Chí Phèo (Nam Cao)
    • Vi hành: tình huống nhầm lần với rất nhiều sự nhầm lẫn được xây dựng đan xen trong tác phẩm vừa tạo nên sự độc đáo, vừa gợi lên sự hài hước, châm biếm sâu cay. Sự nhầm lẫn ấy được hiện lên qua: cặp trai gái trên chuyến tàu nọ đã nhầm lẫn tác giả với vua Khải Định; người Pháp nhầm tưởng tất cả những người da vàng mũi tẹt đều là Khải Định.

=> Trong sự nhầm lẫn ấy, chân dung của Khải Định hiện lên thật khôi hài, châm biếm với vẻ ngoài kệch cỡm, lúng túng như một gã hề trong con mắt của những người dân Pháp. Đồng thời người đọc cũng thấy được sự giả dối, xảo trá và bỉ ổi của chính quyền Pháp khi mời Khái Định chuyến viếng thăm Pháp được gọi với một cái tên rất mĩ miều "vi hành"

    • Tinh thần thể dục: tình huống hành động với hàng loạt những mâu thuẫn được dựng nên giữa mục đích tốt đẹp của việc xem trận đấu bóng đá với tai họa mà nó mang tới cho người nông dân, giữa nội dung và hình thức của thông báo. Tất cả những mâu thuẫn ấy dẫn tới hành động phản kháng lại của con người: trốn chạy, thoái thác hoặc bị bắt buộc phải đi. 

=> Một trận bóng đá vốn dĩ sẽ mang tới cho con người sự thoải mái, thư giãn nhưng nó lại là nỗi kinh hoàng với những người dân nghèo, lo chạy cơm từng ngày. Cảnh vận động người đi xem bóng đá bỗng trở thành một ngày căng thẳng như một trận chiến trong làng.

    • Chữ người tử tù: tình huống nhận thức khi đặt các nhân vật tử tù - viên quản ngục - thầy thơ lại, người xin chữ - người cho chữ trong một mối quan hệ và hoàn cảnh éo le, đầy mâu thuẫn. Tên tử tù là người cho chữ còn viên quản ngục lại là người khúm núm, sợ sệt xin chữ. Điều đó làm nên một cảnh tượng trước nay chưa từng có chính là cảnh cho chữ trong đêm cuối trước khi Huấn Cao bị điệu ra pháp trường xử tử.

=> Nhân vật Huấn Cao hiện lên với tính cách khẳng khái, không khuất phục trước cường quyền, là con người có tài và đặc biệt là người ban phát thiên lương. Còn viên quản ngục là người biết trọng cái tài, yêu cái đẹp.

  • Chí Phèo: tình huống nhận thức khi đặt nhân vật liên tục vào những bi kịch, mâu thuẫn về thân phận, về hiện thực để nhận vật nhận ra sự đối lập giữa khát vọng sống, khát vọng được làm người lương thiện với những định kiến hẹp hòi của xã hội khiến cho con người không được sống là người lương thiện nữa.

Câu 4: trang 204 sgk Ngữ Văn 11 tập một

Đặc sắc về nghệ thuật của các truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Chí Phèo (Nam Cao)

Bài làm:

Đặc sắc về nghệ thuật của các truyện ngắn Hai đứa trẻ (Thạch Lam), Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân), Chí Phèo (Nam Cao)

  • Hai đứa trẻ - Thạch Lam
    • Thuộc dòng văn học lãng mạn, truyện không có cốt truyện mà chỉ là được bắt đầu bằng những cảm xúc mơ hồ, mong manh của nhân vật. Chính vì thế, truyện cứ nhẹ nhàng, không có diễn biến, không có cao trào nhưng lại lôi cuốn người đọc.
    • Điểm nhìn trần thuật được đặt vào nhân vật Liên - một cô bé mới lớn, giàu lòng trắc ẩn và rất tinh tế. Việc đặt điểm nhìn trần thuật vào nhân vật ấy khiến cho tác giả có thể đi sâu khai thác tâm trạng và cảm xúc, sự biến đổi tinh tế trong suy nghĩ của nhân vật.
    • Xây dựng thành công sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối: số phận, sự quẩn quanh bế tắc của những kiếp người nơi phố huyện và khao khát có được một cuộc sống hạnh phúc hơn trong tương lai.
    • Ngôn ngữ nhẹ nhàng, giàu chất thơ, tinh tế, mang đậm phong cách của Thạch Lam
  • Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân
    • Tình huống truyện độc đáo, đặt các nhân vật vào một cuộc gặp gỡ ở nơi đặc biệt - ngục tù. Tình huống éo le ấy khiến cho thời gian của câu chuyện như được kéo căng đến cực hạn, làm cho người đọc cũng cảm nhận được sự căng thẳng, nghẹt thở với mong muốn của viên quản ngục là xin kì được chữ của Huấn Cao trước khi ông bị xử tử.
    • Xây dựng cảnh tượng hiếm trước nay chưa từng có: cảnh cho chữ (vị thế của các nhân vật hoàn toàn bị đảo lộn)
    • Ngôn ngữ truyện giàu sức tạo hình, vừa cổ kính, vừa hiện đại
  • Chí Phèo - Nam Cao
    • Cốt truyện hấp dẫn, độc đáo, có mở đầu - diễn biến - cao trào và giải quyết nút thắt rất logic, hợp lí.
    • Xây dựng thành công nhân vật Chí Phèo - nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, trở thành biểu tượng cho số phận của người nông dân Việt Nam trước cách mạng: bế tắc, tuyệt vọng, tha hóa và không có lối thoát.
    • Điểm nhìn và giọng điệu trần thuật biến đổi đa dạng, linh hoạt: lúc là lời của người dẫn truyện, lúc là lời độc thoại của nhân vật, khi là giọng thờ ơ, khách quan, lúc là giọng bình luận...
    • Nghệ thuật miêu tả tâm lí bậc thầy với ngòi bút lách sâu vào tâm lí nhân vật để phát hiện ra những thay đổi nhỏ nhất trong cảm xúc, suy nghĩ của Chí Phèo.

Câu 5: trang 204 sgk Ngữ Văn 11 tập một

Những nét chính trong nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng thể hiện qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia. Qua đoạn trích này, Vũ Trọng Phụng đã tập trung phê phán điều gì của xã hội "thượng lưu" thành thị những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945?

Bài làm:

  • Trào phúng là thủ pháp nghệ thuật được xây dựng dựa trên những tương phản, đối lập, mâu thuẫn từ đó làm bật lên tiếng cười mỉa mai, châm biếm. Đồng thời cũng làm nên giáo trị phê phán, tố cáo sâu sắc với hiện thực xã hội, con người trong tác phẩm.
  • Nghệ thuật trào phúng của Vũ Trọng Phụng thể hiện qua đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia:
    • Nhan đề trào phúng "Hạnh phúc của một tang gia": Hạnh phúc - niềm vui tột cùng của con người khi đạt được điều gì đó như mong muốn; tang gia - nỗi đau lớn nhất của một người khi phải mất đi người thân yêu nhất

=> Nhan đề đầy mâu thuẫn, hai trạng thái cảm xúc tưởng như đối lập và không thể đặt cạnh nay nay lại đứng cạnh nhau để dựng nên một bức tranh khôi hài về xã hội thượng lưu. Nỗi đau đớn lớn nhất của một người lại trở thành niềm hạnh phúc tột cùng của họ. Mỉa mai, châm biếm làm sao!

    • Tình huống trào phúng: Cái chết của cụ tổ cố Hồng lại chính là niềm hạnh phúc cho lũ con cháu. Đây chính là phông nền cho lũ con cháu bộc lộ suy nghĩ và bản chất đồi bại, khốn nạn của mình.
    • Nhân vật trào phúng: Vũ Trọng Phụng đã xây dựng thành công một hệ thống các nhân vật trào phúng cả bên trong tang quyến lẫn bên ngoài tang quyến. Mỗi người một mục đích, một suy nghĩ khi đến đám tang nhưng đều là những suy nghĩ ích kỉ, đê hèn cho lợi ích cá nhân chứ không hề mảy may thương xót cho người vừa nằm xuống kia.
    • Cảnh tượng trào phúng: Cảnh hạ huyệt ở cuối tác phẩm đã hoàn tất bức tranh của xã hội thương lưu giả dối, thối nát.
  • Qua đoạn trích này, Vũ Trọng Phụng đã tập trung phê phán sự đồi bại, thối nát, lố lăng của xã hội "thượng lưu" thành thị những năm trước Cách mạng tháng Tám năm 1945. Những kẻ tự nhận mình là văn minh, là Âu hóa thực chất chỉ là những kẻ với bản chất giả dối, máu lạnh, khốn nạn mà thôi. Trong con người chúng không hề có cảm xúc, các giá trị đạo đức cũng đã không còn.

Câu 6: trang 204 sgk Ngữ Văn 11 tập một

Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng được thể hiện như thế nào qua việc triển khai và giải quyết mâu thuẫn kịch trong đoạn  Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Trích Vũ Như Tô)?

Bài làm:

Quan điểm nghệ thuật của Nguyễn Huy Tưởng qua việc triển khai và giải quyết mâu thuẫn kịch trong đoạn Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Trích Vũ Như Tô):

  • Mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô với cường quyền: ông không chịu khuất phục trước cường quyền (Không đồng ý xây dựng Cửu Trùng Đài làm nơi ăn chơi, tráng táng của vua cùng với đám cung nữ) nhưng ông đã nghe lời khuyên giải của Đan Thiềm ở lại tiếp tục xây dựng Cửu Trùng Đài để làm một cảnh đẹp có thể tranh tài cùng vẻ đẹp của hóa công

=> Quan điểm của Nguyễn Huy Tưởng: Nghệ thuật không thể khuất phục trước cường quyền, quyền thế, trước sự đe dọa của các thế lực tàn bạo mà nó chỉ khuất phục trước lí tưởng cao đẹp của con người.

  • Mâu thuẫn giữa người nghệ sĩ và nhân dân: Vũ Như Tô xây dựng Cửu Trùng Đài, kinh phí xây dựng tăng lên khủng khiếp khiến triều đình phải tăng thu thuế, bắt người dân làm công với giá rẻ mạt. Đời sống nhân dân cũng vì thế mà thêm khổ cực, lầm than. Nhưng Vũ Như Tô vẫn không cho rằng đó là lỗi của mình.

=> Quan điểm của Nguyễn Huy Tưởng: nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống, người nghệ sĩ không thể xa rời nhân dân. Bởi bản chất của nghệ thuật là khiến cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp, thanh thản hơn. Thế nhưng nghê thuật của Vũ Như Tô lại làm điều ngược lại.

  • Cách giải quyết những mâu thuẫn: Nhân dân đã nổi dậy chống chính quyền, Vũ Như Tô bị giết, Cửu Trùng Đài bị thiêu rụi

=> Cái kết hợp lí, logic để kết thúc những mâu thuẫn. Cuối cùng thì cường quyền cũng bị đánh bại, người nghệ sĩ sẽ chết thảm và những công trình nghệ thuật cũng sẽ bị thiêu rụi nếu như nghệ thuật không gắn với lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân.

Câu 7: trang 204 sgk Ngữ Văn 11 tập một

Bình luận quan điểm nghệ thuật của Nam Cao: "Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có..." (Đời thừa)

Bài làm:

Các bạn có thể tham khảo dàn ý sau để viết thành bài văn hoàn chỉnh:

Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận

=> Bình luận quan điểm nghệ thuật của Nam Cao: "Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có..." (Đời thừa)

Thân bài: 

a) Giới thiệu tác giả

b) Giới thiệu tác phẩm Đời Thừa

c) Giải thích ý kiến

  • Câu nói được trích từ lời của nhân vật Hộ - người nghệ sĩ với khao khát lớn lao nhưng lại bị cuốn chân bởi gánh nặng của cơm áo gạo tiền, trong tác phẩm Đời thừa của Nam Cao.
  • "Văn chương không cần những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho": 
    • Người thợ khéo tay: Những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nghiệp của mình. Ở họ có sự khéo léo, tỉ mẩn, làm ra những sản phẩm tương đương nhau, mười sản phẩm giống nhau cả mười.
    • Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm ra những tác phẩm dập khuôn, máy móc, không có sự sáng tạo như thế.
  • "Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có..."
    • Chỉ dung nạp: chỉ chấp nhận những người nghệ sĩ chân chính, lao động hết mình và không ngừng làm mới mình
    • "đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có": đề cao khả năng tìm tòi, sáng tạo của người nghệ sĩ

=> Khẳng định và đề cao giá trị của sự sáng tạo từ người nghệ sĩ. Người nghệ sĩ chân chính là một người phải lao động không ngừng, làm mới mình, tìm ra những đề tài, cách phản ánh hiện thực mới mẻ chứ không thể nào là sự dập khuôn, máy móc, lặp lại chính mình được.

d) Bình luận ý kiến

  • Người nghệ sĩ chân chính không phải là người bắt chước giỏi nhất mà phải là người biết rung động thực sự, không chỉ phản ánh hiện thực như chính sự tồn tại của nó mà sự phản ánh ấy còn phải mang cả dấu ấn cá nhân của mình.
    • Ông đã ý thức sâu sắc về trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút. Vì văn học là nhân học. Văn học không chỉ làm cho cuộc sống trở nên sống động trên trang giấy mà còn tác động mạnh mẽ tới cảm xúc, nhân cách đạo đức của con người.
    • Sự lặp lại, dập khuôn trong văn chương không phải là điều khó bắt gặp: những niêm luật nghiêm ngặt trong các thể thơ cổ, bút pháp ước lệ tượng trưng của văn học trung đại; sự dập khuôn của hình tượng chiến sĩ anh hùng trong văn học thời chiến...
    • Cẩu thả, qua quýt trong nghề văn chính là sự đê tiện, bất lương và giết chết sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Và người nghệ sĩ chân chính thì không ai làm điều ấy cả. Hộ trong tác phẩm Đời thừa đã dằn vặt, day dứt, tự phỉ nhổ bản thân khi đọc lại chính những tác phẩm mà mình viết, được đăng lên báo trước đây vì sự cẩu thả, hời hợt của mình khi mà người ta đọc xong sẽ quên ngay vì nó giống như bất kì bài báo, bài viết nào.
  • Người nghệ sĩ chân chính cần phải lao động nghệ thuật một cách nghiêm túc và sáng tạo không ngừng để không lặp lại người khác, cũng không lặp lại chính mình. 
    • Quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn cá nhân và cá tính của người nghệ sĩ trong từng trang giấy.
      • Truyện Kiều của Nguyễn Du dù được viết dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân song sự sáng tạo của Nguyễn Du là không thể phủ nhận. Và chính sự sáng tạo ấy đã biến Truyện Kiều thành kiệt tác của dân tộc, biến Nguyễn Du thành đại thi hào dân tộc với con mắt trông thấy sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời
      • Truyện Đời thừa, nhân vật Hộ đã trách móc, dằn vặt bản thân vì hắn muốn mang lại điều gì lớn lao, mới lạ cho văn chương nhưng hắn chưa thể làm được. Vì thế mà hắn thấy mình là kẻ vô ích, là người thừa.
      • Trong bài thơ Vân chữ, Lê Đạt đã khẳng định: 

"Mỗi công dân đều có một dạng vân tay
Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ
Không trộn lẫn"

    • Nói sáng tạo nhưng không có nghĩa đó là sự bịa đặt, dựng chuyện mà sự sáng tạo ấy phải là kết quả của quá trình tìm tòi, học hỏi, đào sâu, suy nghĩ và nghiền ngẫm về cuộc đời, về con người.

Kết bài: Khẳng định lại tính đúng đắn trong quan điểm nghệ thuật của Nam Cao